Đối thoại Shangri-La: Nóng vấn đề Triều Tiên và Biển Đông

.

Các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có căng thẳng trên Biển Đông và những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, là những chủ đề chính của Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 diễn ra tại Singapore từ ngày 1 đến 3-6.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) chào đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (phải) chào đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters

Theo đó, các bộ trưởng quốc phòng và đoàn đại biểu của hơn 40 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, bàn thảo về các thách thức an ninh đối với khu vực.

Diễn đàn năm nay tập trung vào 5 phiên thảo luận chính thức, bao gồm: vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; chống leo thang khủng hoảng Triều Tiên; định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực.

Ngoài ra, diễn đàn cũng bàn thảo các vấn đề đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay như: chiến lược công nghệ mới và tương lai của xung đột, tăng cường an ninh hàng hải, các quy tắc ứng xử và biện pháp xây dựng lòng tin, cạnh tranh và hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương…

Đáng chú ý, căng thẳng trên Biển Đông và những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên là hai vấn đề được cho sẽ làm “nóng” chương trình nghị sự, nhất là khi Singapore dự kiến là nơi diễn ra cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12-6.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là lãnh đạo đầu tiên có bài phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La năm nay. Giới quan sát nhận định, phát biểu của ông Modi một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chính sách “hướng Đông” mà Ấn Độ đang theo đuổi, làm rõ hơn về vai trò của New Delhi trong cấu trúc an ninh khu vực đang hình thành, đặc biệt là trong nhóm Bộ Tứ khu vực (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ).

Hãng Reuters dẫn phát biểu của Thủ tướng Modi trước thềm hội nghị ngày 1-6 nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải trong vùng biển châu Á nhằm bảo đảm thương mại tự do. New Delhi cam kết xây dựng “một trật tự dựa trên luật lệ”, bảo đảm môi trường thương mại hàng hải “cởi mở, công bằng và minh bạch” trong khu vực.

Khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chắc chắn cũng sẽ là điểm then chốt trong các cuộc thảo luận. Trước đó, ngày 30-5, Mỹ tuyên bố đổi tên đơn vị chịu giám sát hoạt động quân sự của quân đội Mỹ tại châu Á - Bộ chỉ huy Thái Bình Dương sang tên mới là Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis dự kiến có bài phát biểu trong ngày họp thứ hai (2-6), trong đó đề cập vai trò của Mỹ đối với khu vực. Trước đó, Bộ trưởng Mattis cho biết, Mỹ sẽ nỗ lực “đẩy lùi các động thái quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông”. Ngoài ra, người đứng đầu Lầu Năm Góc có thể sẽ nói về những diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên.

Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh liên chính phủ do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức. Đối thoại Shangri-La bắt đầu được triển khai từ năm 2002 nhằm tạo cơ chế đối thoại đa phương chủ yếu tập trung vào các vấn đề quốc phòng - an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là cơ hội để giới chức an ninh ở các quốc gia khác nhau tiến hành các cuộc họp bên lề nhằm củng cố quan hệ.

Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Đối thoại Shangri-La.

Dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ 3 với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi tại châu Á”. Theo đó, đoàn Việt Nam khẳng định tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao với những vấn đề quốc tế và khu vực.

THƯ LÊ

;
.
.
.
.
.
.