Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ: Chiến thắng trong âu lo

.

Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố giữ nguyên sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh với người tị nạn và công dân của 5 nước mà Tổng thống Donald Trump ban hành vào tháng 9-2017, nhưng không có nghĩa các thẩm phán hoàn toàn yên tâm về chính sách này.

Nhiều người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh ở bên ngoài trụ sở Tòa án Tối cao tại thủ đô Washington, D.C.  Ảnh: AP
Nhiều người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh ở bên ngoài trụ sở Tòa án Tối cao tại thủ đô Washington, D.C. Ảnh: AP

Phán quyết được thông qua với tỷ lệ chấp thuận sát sao (5 phiếu thuận và 4 phiếu chống) là thắng lợi lớn của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến pháp lý về vấn đề nhập cư. Theo đó, tòa tuyên bố Tổng thống có thẩm quyền bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách giới hạn những người có thể đến Mỹ. Ngoài ra, tòa bác bỏ cáo buộc cho rằng lệnh cấm được đưa ra dựa trên sự thù ghét tôn giáo.

Sắc lệnh này là phiên bản thứ 3 và có nội dung “giảm nhẹ” hơn rất nhiều sau khi hai sắc lệnh cứng rắn trước đó không vượt qua được “cửa ải” pháp lý. Khi sắc lệnh được áp dụng, công dân các nước có đông người Hồi giáo như Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen sẽ bị cấm vào Mỹ trong 90 ngày, đồng thời dừng chương trình tiếp nhận người tị nạn trong 120 ngày. Lệnh cấm cũng sẽ ảnh hưởng đến 2 quốc gia không Hồi giáo, cụ thể là công dân CHDCND Triều Tiên và các quan chức chính phủ Venezuela.

Các tòa án cấp thấp hơn của Mỹ cho rằng, sắc lệnh nói trên trái với hiến pháp nhưng Tòa án Tối cao đã bất ngờ đảo ngược phán quyết. Tổng thống Trump gọi đây là chiến thắng lớn cho người Mỹ và Hiến pháp Mỹ. Theo ông, phán quyết cho thấy, những công kích từ truyền thông và đảng Dân chủ đã sai. “Nếu bạn nhìn vào Liên minh châu Âu, họ đang nhóm họp để siết chặt chính sách nhập cư bởi họ bị quá tải. Thật lòng mà nói, rất nhiều trong những nước đó đã không còn là chính mình nữa”, Tổng thống Mỹ nói.

Tại Nhà Trắng, ông Trump đăng ngay dòng tweet chỉ vỏn vẹn chữ “Wow” để bày tỏ niềm vui. Với phán quyết này, Tổng thống Trump có thể thêm nhiều nước khác vào danh sách cấm.

Tuy nhiên, theo CNN, phán quyết của Tòa án Tối cao không có nghĩa là các thẩm phán ủng hộ quan điểm cấm cửa hoàn toàn người Hồi giáo nhập cảnh, mà ông Trump đưa ra lúc vận động tranh cử. Chánh án John G. Roberts Jr. đề cập đến “quyền tự do và bao dung tôn giáo”, vốn được Hiến pháp Mỹ quy định, có thể bị vi phạm dưới các chính sách của chính phủ đương nhiệm. Trước đó, ông Roberts lý giải về phán quyết của tòa rằng, việc ban bố lệnh cấm nhập cảnh chắc chắn nằm trong thẩm quyền của Tổng thống và dựa trên các mục đích chính đáng - đó là ngăn chặn những công dân không đủ tiêu chuẩn vào Mỹ, cũng như thúc đẩy các quốc gia khác cải thiện luật pháp của họ.

Một vấn đề đặt ra là lệnh cấm có giúp nước Mỹ an toàn hơn không. Theo báo USA Today, khó có thể bảo đảm điều này, trong khi người Hồi giáo vốn có mặt ở khắp nơi trên thế giới sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ sắc lệnh. Hơn nữa, danh sách 5 nước bị “điểm tên” cũng mang tính tùy ý. Thực tế, trong các cuộc tấn công từng xảy ra ở Mỹ, không có thủ phạm nào là công dân của 5 nước nêu trên; nhưng không quốc gia nào trong số những nước như Ai Cập, Lebanon, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vốn có công dân liên quan vụ tấn công ngày 11-9-2001, bị áp đặt lệnh cấm lần này. Một điều đáng lưu ý nữa là, trong những năm gần đây, mối đe dọa khủng bố mà Mỹ đối mặt xuất phát từ trong nước. 

Ông Trump bị kiện vì chính sách “không khoan nhượng”

17 tiểu bang của Mỹ đồng loạt kiện Tổng thống Donald Trump vì chính sách “không khoan nhượng” (zero tolerance) chia cắt các gia đình di dân từ Mexico vào cường quốc hàng đầu thế giới này. Các bang cho rằng, chính sách của chính quyền Trump là vi hiến vì xuất phát từ “mong muốn gây tổn hại đến người nhập cư từ Mỹ Latinh”. Bộ trưởng Tư pháp bang New Jersey, ông Gurbir Grewal, nhấn mạnh việc tách rời trẻ em khỏi gia đình là “hành động tàn ác”. Đây là thách thức pháp lý đầu tiên của các bang đối với chính sách “không khoan nhượng”.

Trước đó, một thẩm phán liên bang ra phán quyết ngăn chặn giới chức Mỹ chia tách trẻ em và những cha mẹ nhập cư trái phép bị bắt giữ tại biên giới với Mexico. Hiện vẫn còn khoảng 2.000 trẻ em chưa thể đoàn tụ với gia đình.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.