Cuộc giải cứu nghẹt thở ở Chiang Rai

.

Ngày 8-7, các nhà chức trách Thái Lan bắt đầu giải cứu 12 thành viên đội bóng U16 và huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai. Lần lượt 4 em được đưa ra khỏi hang trong sự dõi theo của cả thế giới.

Sơ đồ hành trình giải cứu đội bóng nhí Thái Lan.          Đồ họa: Straits Times
Sơ đồ hành trình giải cứu đội bóng nhí Thái Lan. Đồ họa: Straits Times

10 giờ ngày 8-7 (giờ địa phương), 18 thợ lặn danh tiếng được điều động vào hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai, trong đó có 13 thợ lặn quốc tế và 5 thợ lặn thuộc lực lượng SEAL của Hải quân Hoàng gia Thái Lan. Song, theo ông Narongsak Osottanakorn - chỉ huy chiến dịch giải cứu, có đến 90 thợ lặn, bao gồm 40 người Thái Lan và 50 người nước ngoài, tham gia chiến dịch.

Thời gian và nước vẫn là hai yếu tố đáng lo nhất. Theo dự báo thời tiết, đợt mưa giông lớn chuẩn bị ập xuống khu vực miền bắc Thái Lan, trong đó có tỉnh Chiang Rai.

Trong nỗ lực chạy đua với thời gian, hãng Reuters cho biết, đến 20 giờ 30, đội cứu hộ đưa được 4 thành viên đội bóng ra ngoài, sớm hơn nhiều so với dự kiến. Hai em đầu tiên ra khỏi hang lúc 17 giờ 57, em thứ ba rời hang lúc 19 giờ 35, em thứ tư ra ngoài khoảng 12 phút sau đó. Cả 4 em đều được kiểm tra sức khỏe. Thành viên đầu tiên được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chiang Rai Prachanukroh là Mongkol Bunyiam (13 tuổi). Đội ngũ chăm sóc sức khỏe trước đó cũng đã tập dượt tất cả thao tác, nhiệm vụ cần thiết để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống cần thiết.

Trong cuộc họp báo được tổ chức gần hang, một quan chức Thái Lan xác nhận 4 cậu bé đã được giải cứu. Ông Narongsak cho biết, lực lượng cứu hộ phải tập trung thay thế các bình dưỡng khí để tiếp tục chiến dịch. Ông không xác định chính xác khoảng thời gian nối lại chiến dịch giải cứu hết các thành viên đội bóng, chỉ ước tính mất xấp xỉ từ 10-20 tiếng đồng hồ. Trước đó, ông Narongsak gọi ngày 8-7 là “Ngày quyết định (D-Day) và những đứa trẻ sẵn sàng đối mặt với thách thức”. Ông Narongsak cũng nói: “Đây thực sự là cuộc chiến chống lại nước”.

Báo Bangkok Post cho hay, từ sáng sớm, các nhà chức trách đã yêu cầu sơ tán toàn bộ lực lượng thuộc các cơ quan truyền thông, báo chí và những người không thuộc nhóm cứu hộ ra khỏi khu vực cửa hang. Trung tâm báo chí được yêu cầu chuyển đến địa điểm khác cách cửa hang Tham Luang khoảng 10 phút di chuyển bằng xe. Hàng loạt bình dưỡng khí được mang đến khu vực cửa hang.

Mongkol Bunyiam (13 tuổi) là thành viên đầu tiên của đội bóng được đưa ra khỏi hang. 	     Ảnh: The Nation
Mongkol Bunyiam (13 tuổi) là thành viên đầu tiên của đội bóng được đưa ra khỏi hang. Ảnh: The Nation

Ngày 7-7, mực nước rút đáng kể, chỉ còn 30% so với lúc bắt đầu bơm nước ra, nên các nhà chức trách xác định đây là thời điểm “sẵn sàng cao nhất” cho cuộc giải cứu. Trang thiết bị được dùng cho thợ lặn gồm bình dưỡng khí và mặt nạ dưỡng khí. Hai người thợ lặn đi cùng 1 cầu thủ, một thợ lặn phía trước và một thợ lặn phía sau.

Các thợ lặn có nhiệm vụ chỉ dẫn các em đi theo dây thừng dẫn đường ròng sẵn dọc hang. Khi đến đoạn hang hẹp, thợ lặn tháo bình dưỡng khí, từ từ kéo qua khe hẹp và hướng dẫn cầu thủ lách qua. Khi bơi đến hốc thứ 3 - nơi đặt trạm tiếp tế trung gian cách cửa hang khoảng 2km - các cầu thủ được chuyển ra ngoài bằng cáng vì nước từ khu vực này rút đáng kể.

Theo Bangkok Post, các cậu bé được chia thành 4 nhóm để lần lượt di chuyển ra ngoài. Nhóm đầu có 4 người, nhóm 2 có 3 người, nhóm 3 có 3 người và nhóm cuối cùng gồm 2 em còn lại và huấn luyện viên.

Trong khi đó, với gia đình đội bóng, họ đã chờ đợi, mong ngóng ngày này. Có không ít cảnh báo rằng hành trình giải cứu vô cùng nguy hiểm. Cái chết đau lòng của thợ lặn, cựu thành viên lực lượng SEAL, anh Saman Kunan, vào sáng 6-7 vì thiếu oxy càng làm nỗi lo của các gia đình đội bóng thêm trĩu nặng. Họ tập trung ở Bệnh viện Chiang Rai Prachanukroh hồi hộp chờ đón các thành viên nhí.

Không chỉ người dân Thái Lan và dường như cả thế giới đều dõi theo chiến dịch giải cứu ở Chiang Rai. Trên các trang mạng xã hội tràn ngập những lời ca ngợi lực lượng cứu hộ là những “người hùng”. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Quả là những người rất dũng cảm và tài năng”. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết, Washington đã phối hợp chặt chẽ với Thái Lan để giải cứu đội bóng U16.

Chiến dịch giải cứu đội bóng U16 của Thái Lan có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Anh, Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Lào và Myanmar.

Nhiều công ty tại các nước khác cũng đề nghị hỗ trợ bằng cách đóng góp trang thiết bị phục vụ giải cứu. Ông chủ hai công ty SpaceX và Tesla, tỷ phú Elon Musk, đề nghị gửi các kỹ sư tham gia chiến dịch giải cứu.

Nhiều chuyên gia quốc tế thừa nhận chưa bao giờ chứng kiến vụ việc tương tự nên lực lượng cứu hộ phải cân nhắc kỹ các phương án giải cứu.

Tính đến ngày 8-7, 12 cầu thủ từ 11 - 16 tuổi và người huấn luyện 25 tuổi đã bị mắc kẹt trong hang Tham Luang gần 16 ngày. Ngày 23-6, họ vào hang và sau đó bị kẹt lại do một trận mưa lớn khiến nước trong hang dâng lên quá nhanh, chặn lối thoát ra cửa hang.

Ngày 2-7, sau gần 10 ngày bị kẹt trong hang, các thành viên đội bóng U16 được các thợ lặn người Anh tìm thấy.

PHÚC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.