Kỳ vọng khiêm tốn từ thượng đỉnh Nga - Mỹ

.

Bất kể 2 tiếng đồng hồ đối thoại riêng và được Tổng thống Donald Trump mô tả là “vô cùng hiệu quả”, hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vẫn khiến dư luận khó đoán định được kết quả thật sự.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki ngày 16-7 thu hút sự chú ý của cả thế giới.  Ảnh: Reuters
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki ngày 16-7 thu hút sự chú ý của cả thế giới. Ảnh: Reuters

Những gì mà Tổng thống Donald Trump thể hiện và phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki vấp phải sự chỉ trích nặng nề, gay gắt từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ như các thượng nghị sĩ John McCain, Jeff Flake và Rob Corker.

Trong khi ông McCain gọi cuộc gặp thượng đỉnh này là một “sai lầm bi đát”, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan mô tả hành xử của ông Trump “chẳng khác nào sự phản bội”.

Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp “kín” ở Helsinki, ông Trump bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông chủ Nhà Trắng bày tỏ nghi ngờ cả kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ, chỉ 2 ngày sau khi một bồi thẩm đoàn liên bang buộc tội 12 nhân viên tình báo Nga xâm nhập mạng máy tính của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ và hộp thư điện tử của ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton, làm rò rỉ thư điện tử để gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của bà.

Xung quanh hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, theo giới quan sát, Tổng thống Putin thực sự có lý do để vui mừng. Cuộc gặp giữa ông Putin với ông Trump là minh chứng rõ ràng rằng nước Nga không còn bị cô lập nữa. Ông Trump cũng không nêu quan điểm hay có phản ứng nào về những vấn đề được cho là làm mối quan hệ Nga - Mỹ xuống dốc đến mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Ít nhất trước công luận, ông Trump không hề chỉ trích Nga về những vấn đề liên quan tới Ukraine cũng như chuyện can thiệp bầu cử Mỹ.

Giới quan sát cũng ngạc nhiên khi Tổng thống Trump chấp nhận tuyên bố của Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. Ông Trump nói rằng, Điện Kremlin không có lý do gì để can thiệp vào bầu cử tại Mỹ và đây là lý do để một bộ phận chính giới Mỹ cáo buộc ông chủ Nhà Trắng “phản bội” kết luận của cộng đồng tình báo.

Các đồng minh của Mỹ chắc chắn sẽ không đơn giản thể hiện công khai quan điểm về cuộc gặp, nhưng họ đương nhiên không hài lòng. Nhiều chuyên gia phân tích đã so sánh sự “khập khiễng” giữa một bên là thái độ chỉ trích miễn cưỡng của Tổng thống Trump với Tổng thống Putin, một bên là những quan điểm chỉ trích hùng hồn, gay gắt của ông Trump với các đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước đó tại Brussels (Bỉ), đặc biệt là Đức và Thủ tướng Angela Merkel, về vấn đề chi tiêu quốc phòng; và cả thái độ của ông Trump trong cuộc trả lời phỏng vấn ở London (Anh) khi ông xếp Liên minh châu Âu (EU) đứng đầu danh sách “những kẻ thù” của Mỹ.

Trước cuộc gặp tại Helsinki, ông Trump tuyên bố sẽ không buộc tội Nga trong những vụ việc như sáp nhập bán đảo Crimea, thao túng bầu cử ở phương Tây hay sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên Nga trên đất Anh. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ quan điểm trong cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Theresa May và sau đó nhắc lại trên Twitter ngày 16-7 rằng, chính các chính sách của Mỹ và cuộc điều tra của nhiều cơ quan Mỹ xung quanh cáo buộc Mátxcơva can thiệp bầu cử đã làm phức tạp quan hệ bang giao Nga - Mỹ.

Một cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki chưa đủ để Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có thể hàn gắn mối quan hệ song phương đầy trắc trở này. Có lẽ “điểm sáng” được ghi nhận là cuộc gặp thượng đỉnh sẽ tạo ra những lần đối thoại về sau và hứa hẹn gặt hái kết quả tiến bộ nào đó.

Ông Putin để ngỏ cửa cho những cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí với Mỹ, trong đó có việc mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) và đây sẽ là mối quan tâm lớn của Washington. Tuy nhiên, công chúng Mỹ cũng không quá lạc quan với những diễn tiến nhanh và tích cực trong vấn đề này. Họ sẽ kiên nhẫn chờ đợi và có thể có những kỳ vọng “khiêm tốn”, căn cứ vào những ngờ vực vẫn còn rất lớn về sự cải thiện trong quan hệ Mỹ - Nga dưới thời ông Trump.

"Cuộc gặp này mở ra một con đường. Nó là sự khởi đầu. Chúng tôi đã tạo ra một sự khởi đầu tốt”

Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn hãng Fox News về cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.