Mỹ gây sức ép với NATO

.

Mỹ đang yêu cầu các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rót tiền nhiều hơn cho quốc phòng, bởi Washington không thể gồng gánh khoản chi này.

Thư Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi Thủ tướng Na Uy Erna Solberg yêu cầu rót tiền nhiều hơn cho quốc phòng. 						Ảnh: AP
Thư Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi Thủ tướng Na Uy Erna Solberg yêu cầu rót tiền nhiều hơn cho quốc phòng. Ảnh: AP

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump than thở chuyện cường quốc hàng đầu thế giới chi quá nhiều tiền cho NATO và gây sức ép cho các đồng minh của liên minh quân sự này phải rót tiền nhiều hơn cho quốc phòng không phải là điều bất ngờ.

Vấn đề này được ông Trump đưa ra trong giai đoạn tranh cử nhưng thực chất đã được đặt nền móng từ chính phủ tiền nhiệm Barack Obama. Năm ngoái, khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Trump đã mô tả NATO là tổ chức “lỗi thời” và cáo buộc các nước đồng minh không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính.

Cũng trong năm ngoái, lúc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ, ông Trump ra tối hậu thư 1 năm cho các đồng minh đưa ra lộ trình đáp ứng mục tiêu đóng góp ít nhất 2% GDP cho ngân sách thường niên của NATO. Tháng 5-2018, ông Trump còn đòi “xử lý” những nước không góp đủ tiền.

Giờ đây, theo hãng tin AP, trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ở Brussels (Bỉ) vào ngày 11 và 12-7, ông Trump gửi thư đến các chính phủ Na Uy, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Canada và các đồng minh khác, yêu cầu những nước này chi trả nhiều hơn cho quốc phòng và dọa sẽ thay đổi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu nếu yêu cầu này không được đáp ứng.

Động thái của nhà lãnh đạo Mỹ làm nhiều thành viên NATO lo ngại rằng, phải chăng ông Trump muốn chấm dứt quan hệ với khối này, bởi lời lẽ trong thư rất gay gắt, thậm chí cảnh báo Washington đang mất dần sự kiên nhẫn.

Hãng AP cho biết, sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014, các thành viên NATO thống nhất dừng việc cắt giảm ngân sách cho quốc phòng, tăng chi tiêu khi các nền kinh tế đang được cải thiện và hướng tới mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng trong vòng một thập niên tới.

Tuy nhiên, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh NATO không dành đúng mức 2% GDP cho quốc phòng, đồng thời cáo buộc những nước này đẩy trách nhiệm cho Mỹ trong việc bảo vệ châu Âu.

Trong thư gửi Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Tổng thống Trump viết: Na Uy vẫn là đồng minh NATO duy nhất có chung đường biên giới với Nga mà không có kế hoạch đáng tin cậy nào để chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng.

Trong thư gửi Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, việc Berlin tiếp tục chi tiêu ít hơn cho quốc phòng đang làm xói mòn an ninh của NATO, tạo cớ cho các đồng minh khác không đáp ứng những cam kết, bởi họ luôn xem Đức là hình mẫu để noi theo.

Đối với Canada, ông Trump cũng bày tỏ “sự thất vọng ngày càng tăng” khi các đồng minh then chốt không tăng cường chi tiêu quốc phòng như đã hứa.

Trong thư điện tử (email) gửi hãng AP ngày 3-7, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen khẳng định, quốc gia này ủng hộ quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014, tức ủng hộ mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng tán thành mức 2% GDP.

“Chúng tôi đang trên đường đạt mục tiêu đó, và Đức gánh vác trách nhiệm đáng kể trong liên minh”, bà Leyen nhấn mạnh.

Quy mô nền kinh tế của các quốc gia thành viên NATO khác nhau nên các khoản đóng góp được tính toán dựa trên tỷ lệ GDP và số tiền thực tế khác nhau. Mỹ hiện chiếm gần 72% tổng chi tiêu quốc phòng của NATO và rót tiền nhiều hơn tất cả các nước cộng lại, mức 3,61% GDP trong năm 2016 (khoảng 664 tỷ USD). Hiện chỉ có 3 nước châu Âu đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng là Anh, Hy Lạp, Estonia. Riêng với Đức, dù nước này góp nhiều tiền thứ 2 cho NATO nhưng vẫn luôn bị chỉ trích không đáp ứng mục tiêu 2%.

Đáng lưu ý, yêu cầu nói trên của Mỹ làm căng thẳng giữa Washington với châu Âu gia tăng trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO. Một quan chức cấp cao của châu Âu tại Brussels nói rằng, đối với ông Trump, NATO tồi tệ như NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang đứng trước thử thách lớn. “Chúng tôi đang đối mặt với khủng hoảng”, vị quan chức này nói.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.