Tấn công khủng bố phủ bóng tiến trình bầu cử Pakistan

.

Thứ 6 ngày 13 là ngày đen tối trong lịch sử Pakistan khi đã có ít nhất 128 người thiệt mạng trong vụ tấn công liều chết ở khu vực Tây Nam.

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã lên tiếng thừa nhận thực hiện vụ tấn công. Nhưng điều đáng nói hơn, mục tiêu tấn công chính là một cuộc vận động bầu cử Quốc hội, một tiến trình dân chủ quan trọng tại Pakistan được lên kế hoạch diễn ra chỉ sau 2 tuần nữa.

Càng đáng lo ngại khi đây đã là vụ tấn công thứ 3 chỉ trong vòng 4 ngày qua và là vụ tấn công thứ 2 chỉ trong 1 ngày nhằm vào các sự kiện liên quan đến bầu cử ở quốc gia Nam Á.  

Ít nhất 128 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương  trong vụ tấn công liều chết ở khu vực Tây Nam ngày 13/7. Ảnh: The Nation
Ít nhất 128 người thiệt mạng và 150 người khác bị thương trong vụ tấn công liều chết ở khu vực Tây Nam ngày 13-7. Ảnh: The Nation

Cơ quan tuyên truyền Amaq của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cho biết, nhóm này tuyên bố đã thực hiện vụ đánh bom liều chết nhằm vào một cuộc vận động bầu cử ở tỉnh Baluchistan, miền Tây Nam Pakistan, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Theo báo cáo mới nhất, tổng số người chết trong vụ đánh bom này đã lên tới 128 người, cùng với 150 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pakistan kể từ năm 2014 và là vụ tấn công thứ 3 chỉ trong vòng 4 ngày qua, trong bối cảnh các cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này dự kiến vào ngày 25-7 tới.

Càng gần tới thời điểm này, bầu không khí càng trở nên căng thẳng. Trước đó, cũng trong ngày hôm qua, một quả bom được giấu trong xe mô tô đã phát nổ gần thành phố Bannu thuộc khu vực Tây Bắc, ngay khi đoàn xe của một ứng cử viên bầu cử khác đi qua, làm 4 người chết và gần 40 người khác bị thương.

Nhóm phiến quân Taliban đã nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Lo ngại bạo lực leo thang, Quân đội Pakistan hồi đầu tuần thông báo sẽ triển khai hơn 370 nghìn binh sĩ nhằm đảm bảo an ninh cho ngày bầu cử.

Tuy nhiên, theo ông Omar Waraich, phó Giám đốc khu vực Nam Á thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế, chính quyền Pakistan đang phải đối mặt với bài toán an ninh không dễ giải quyết. Đó là làm thế nào để có thể bảo đảm quyền của tất cả người dân Pakistan trong giai đoạn bầu cử quan trọng hiện nay, cả về tính mạng và quyền được tự do bày tỏ ý kiến chính trị dù thuộc bất kỳ đảng phái chính trị nào.

Các vụ tấn công ngày hôm qua, một do Taliban tiến hành và một do IS thực hiện, đã phần nào cho thấy bức tranh an ninh tại quốc gia Nam Á này. Pakistan đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố cạnh tranh ảnh hưởng, nhất là tại khu vực biên giới bất ổn với Afghanistan.

Ông Amir Rana, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoà bình Pakistan cho rằng, trọng trách an ninh của Pakistan không chỉ là duy trì an ninh nội bộ, mà còn là khu vực giáp ranh với Afghanistan. Bởi an ninh của 2 quốc gia láng giềng này có quan hệ mật thiết và càng được thể hiện rõ trong giai đoạn bầu cử hiện nay.

“Là sai lầm khi cho rằng, Pakistan hỗ trợ khủng bố. Các hoạt động của Pakixtan ở những khu vực bộ lạc, không chỉ giúp Pakistan duy trì an ninh nội bộ, mà còn là khu vực giáp ranh ở Afghanistan, tháo dỡ mạng lưới khủng bố toàn cầu”, ông Rana nói.

Với đường biên giới chung dài gần 2.600 km, thì không gì là quá khó hiểu khi nói rằng, Pakixtan cũng đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh của quốc gia láng giềng và ngược lại. Điển hình như tỉnh Baluchistan, giáp biên giới với Afghanistan và cũng là nơi chứng kiến vụ tấn công khủng bố đẫm màu ngày hôm qua, tình hình an ninh đang diễn biến hết sức bất ổn. 

Nói như vậy để thấy rằng, an ninh đang thực sự là một thách thức lớn, một bài toán hết sức nan giải với Pakistan khi cuộc bầu cử Quốc hội - một tiến trình dân chủ quan trọng được chờ đợi tại nước này, đang cận kề.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.