Thông điệp "hòa thuận" từ Helsinki

.

Gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan ngày 16-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, ông muốn mối quan hệ tốt đẹp và hòa thuận với Moscow.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump đến thủ đô Helsinki sau hành trình đầy “bão tố” tại các điểm dừng chân ở châu Âu, nhất là ở Brussels (Bỉ) với hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cuộc gặp gỡ chính thức lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ lúc 13 giờ 20 ngày 16-7 (17 giờ 20, giờ Việt Nam) tại dinh Tổng thống và đàm phán Nga - Mỹ lúc 14 giờ 50 (18 giờ 50, giờ Việt Nam) thu hút sự chú ý của cả thế giới, nhất là các nhà lãnh đạo “lục địa già”, bởi châu Âu vốn lo sợ Washington sẽ bỏ mặc liên minh Đại Tây Dương mà xích lại gần Moscow.

Thực ra, ông Trump đã gặp ông Putin 2 lần bên lề hai hội nghị quốc tế vào năm 2017, lần đầu ở Đức và lần thứ hai ở Việt Nam, cả hai lần nhà lãnh đạo Mỹ đều mời ông Putin đến Nhà Trắng.

“Thế giới muốn chúng ta hòa thuận”

Trước cuộc gặp ở Helsinki, dường như không ai biết Tổng thống Trump thật sự muốn gì, nhưng biết chắc rằng cải thiện quan hệ với Nga là một trong những mục tiêu mà ông theo đuổi ngay từ lúc lên nắm quyền. Ông “cứng rắn” với nhà lãnh đạo Nga như với NATO, hay “mềm hóa” mối quan hệ vốn được cho là đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh?

Với cuộc hội đàm giữa một Tổng thống Mỹ khó đoán định và một Tổng thống Nga điềm tĩnh, không những hai bên Washington và Moscow, mà còn cả các nhà quan sát cũng không kỳ vọng sự đột phá nào được tạo ra khi có quá nhiều khác biệt giữa hai nước, từ xung đột ở Syria cho đến khủng hoảng ở Ukraine.

Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin bắt tay nhau trong 3 giây nhưng gương mặt hai ông đều căng thẳng. Song, ngồi bên cạnh ông chủ Điện Kremlin, Tổng thống Trump nói: “Tôi chắc chắn các bạn đã nghe trong nhiều năm qua rằng, hòa thuận với Nga là điều tốt lành, chứ không phải điều tệ hại”.

“Chúng ta có những cơ hội tuyệt vời cùng nhau. Thành thật mà nói, chúng ta chưa hòa thuận trong nhiều năm. Thế giới muốn chúng ta hòa thuận. Chúng ta là hai cường quốc hạt nhân, sở hữu 90% sức mạnh hạt nhân toàn cầu và đó không phải là chuyện tốt, đó là chuyện xấu. Tôi nghĩ chúng ta có thể làm điều gì đó cải thiện chuyện này”, ông chủ Nhà Trắng nói.

Quan hệ Mỹ - Nga chưa bao giờ “lao dốc” 

Ngay trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Trump đổ lỗi cho Mỹ, chứ không phải là sự can thiệp của Nga vào bầu cử ở Mỹ hay việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, là nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ xuống dốc giữa hai nước.

“Quan hệ giữa chúng tôi với Nga chưa bao giờ xấu đi”, ông Trump viết trên Twitter khi ở Helsinki. Ông đề cập nguyên nhân do “nhiều năm ngu ngốc của Mỹ và hiện nay là chiến dịch săn bắt phù thủy lừa đảo”, hàm ý chỉ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Ngay trước khi Tổng thống Trump đến Helsinki, ông Muller đã buộc tội 12 nhân viên tình báo Nga xâm nhập mạng máy tính của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) và hộp thư điện tử của ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton, làm rò rỉ thư điện tử để gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử của bà.

Các nghị sĩ và giới quan sát chính trường Mỹ xem cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử là vấn đề “nóng” nhất, phải đề cập nhằm làm “phủ bóng” lên cuộc gặp ở Helsinki.

Nhiều người sử dụng trang mạng Twitter bày tỏ ngạc nhiên, thậm chí tức giận trước sự đổ lỗi của Tổng thống Mỹ. Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho rằng, không một tổng thống Mỹ nào lại nói như thế về mối quan hệ với Nga. “Ông ấy đổ lỗi cho Mỹ trước tiên”, cựu Đại sứ McFaul viết trên Twitter. Song, Bộ Ngoại giao Nga đồng tình với dòng tweet của ông Trump.

Đối với Tổng thống Putin, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga diễn ra là thắng lợi của ông, bởi trong mắt của người dân Nga, sự kiện này cho thấy Washington công nhận Moscow là một cường quốc không thể bị phớt lờ hay cô lập. Nga hy vọng thượng đỉnh Helsinki là “bước đầu tiên” để vượt qua khủng hoảng trong quan hệ với cường quốc hàng đầu thế giới.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Putin tôn trọng chính sách “Nước Mỹ trên hết” vì nhà lãnh đạo Nga cũng muốn xem lợi ích của đất nước mình là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, cách duy nhất để đạt được tiến bộ tại cuộc gặp là cả hai bên đều phải cởi mở trong việc tìm kiếm các lĩnh vực cùng có lợi. Còn ông Trump muốn Nga dùng ảnh hưởng của mình ở Syria đẩy lùi Iran và đồng minh của Tehran ra khỏi quốc gia Trung Đông này.

Ngày 16-7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ tại Helsinki. Đây là lần đầu tiên hai nhà ngoại giao này họp song phương kể từ khi ông Pompeo làm Ngoại trưởng.

An ninh ở thủ đô Helsinki của Phần Lan được thắt chặt. Hàng nghìn cảnh sát, binh sĩ quân đội và nhân viên cứu hộ đang trong kỳ nghỉ hè được yêu cầu trở lại công việc nhằm bảo đảm an ninh cho hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.