ASEAN đoàn kết để duy trì hòa bình khu vực

.

Sức mạnh đoàn kết của ASEAN được cho là động lực để duy trì sự ổn định, hòa bình ở khu vực.

Ngày 3-8 tiếp tục là một ngày bận rộn của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các bên đối tác với gần 10 cuộc họp đa phương, nhiều cuộc họp song phương khác nhau, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51 tại Singapore. Cởi mở, hợp tác vẫn là tinh thần bao trùm các cuộc họp.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự hội nghị với đối tác Ấn Độ. 				           Ảnh: TTXVN
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự hội nghị với đối tác Ấn Độ. Ảnh: TTXVN

Tại các hội nghị, ASEAN đều đánh giá cao vao trò của bên đối tác, coi những cam kết ủng hộ của các đối tác là động lực phát triển ở khu vực, giúp các nước ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế toàn cầu. Các nước ASEAN cũng cho rằng, cơ chế đối thoại ASEAN+1 giai đoạn sau khi hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với vị thế của khối.

Trong khi đó, các bên đối thoại cho rằng, việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nội khối mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển chung của toàn cầu. Tuy nhiên, hình thành cộng đồng chỉ là bước khởi đầu. Để có Cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng, ASEAN cần có những đường hướng phát triển mạnh mẽ hơn, dài hạn hơn. Sự ủng hộ và những cam kết hỗ trợ của các đối tác là một phần quan trọng, không thể thiếu. Các đối tác đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời khẳng định những cam kết hợp tác toàn diện với ASEAN.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ASEAN trong việc dẫn dắt ở khu vực Đông Nam Á và kết nối mạnh mẽ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Sức mạnh đoàn kết của ASEAN sẽ là động lực để duy trì sự ổn định, hòa bình và tạo ra những động lực tăng trưởng khác. Úc với tư cách là bên đối tác đối thoại của ASEAN sẽ tiếp tục ủng hộ đầy đủ các mục tiêu phát triển của ASEAN trong tầm nhìn dài hạn”, bà Bishop nói.

Bà Bishop cũng hoan nghênh việc ASEAN - Trung Quốc đạt được những tín hiệu tích cực trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); coi trọng an toàn, an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông là lợi ích của tất cả các nước. Úc nhấn mạnh việc các bên phải tôn trọng luật pháp quốc tế về các vấn đề tranh chấp trên biển, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). ASEAN và Trung Quốc trước đó đã thống nhất không ngừng củng cố tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh khu vực, trong đó có việc hai bên lần đầu tiên tổ chức diễn tập hàng hải vào cuối năm nay.

Tại hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách của Washington ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Mỹ cam kết ủng ASEAN giữ vai trò trung tâm ở khu vực. Mỹ đã thông qua khoản ngân sách 113 triệu USD để ủng hộ các chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở hòa bình, phát triển. Năm ngoái, khi ASEAN tròn 50 tuổi cũng là thời điểm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN - Mỹ và chúng ta đang hướng tới một mối quan hệ chiến lược hợp tác sâu rộng hơn”, ông Pompeo nói.

Mỹ cũng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đi vào đàm phán thực chất về COC trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; đồng thời khẳng định ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ, New Delhi khẳng định ASEAN là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của quốc gia Nam Á này, là điểm nối quan trọng giữa hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. New Delhi cam kết tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ với ASEAN, tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối khu vực.

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) lần thứ 11 diễn ra ở Singapore chiều 3-8, các bộ trưởng thông qua việc cải tiến cơ cấu của Sáng kiến Hạ nguồn Mekong thành 2 trụ cột hợp tác: hợp tác nguồn nước, năng lượng, lương thực và môi trường; phát triển con người và kết nối.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi nhận tích cực việc triển khai thành công các chương trình hợp tác về cơ sở hạ tầng, đào tạo, kết nối và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ đối với các nước Mekong và hợp tác Sáng kiến Hạ nguồn Mekong trong 9 năm qua; đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm của Mỹ hỗ trợ các nước Mekong phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và nghiên cứu phát triển; hợp tác tăng năng suất nông nghiệp, nâng cao khả năng ứng phó của nông nghiệp với biến đổi khí hậu và mở rộng thị trường hàng nông sản; chú trọng hợp tác về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, đặc biệt là hợp tác phòng ngừa và giảm rủi ro thảm họa, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

 

VĨNH AN tổng hợp

;
.
.
.
.
.
.