Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung "tăng nhiệt"

.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang “tăng nhiệt” với hàng loạt đe dọa tăng quy mô lẫn mức áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và sự trả đũa từ phía Bắc Kinh.

Nhà máy sản xuất ô-tô JAC ở thành phố Đồng Lăng, phía đông tỉnh An Huy, Trung Quốc. 	Ảnh: TÂN HOA XÃ
Nhà máy sản xuất ô-tô JAC ở thành phố Đồng Lăng, phía đông tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Từ ngày 23-8, Mỹ áp thuế 25% đối với 279 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tổng trị giá 16 tỷ USD. Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là lần thứ hai Mỹ áp thuế nặng nề lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tổng trị giá 16 tỷ USD, cũng có hiệu lực từ ngày 23-8. Mức thuế này áp dụng cho nhiều mặt hàng từ dầu mỏ, các sản phẩm thép, đến ô-tô, thiết bị y tế… Trên trang web chính thức của Bộ Tài chính Trung Quốc, cơ quan này gọi quyết định của Mỹ trong việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc là “cách hành xử thương mại rất vô lý”.

Hãng CNN cho rằng, phản ứng của Mỹ và Trung Quốc làm leo thang chiến tranh thương mại giữa hai nước vốn có giao dịch hàng hóa và dịch vụ trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm. Các chuyên gia cảnh báo, căng thẳng giữa hai cường quốc có thể dẫn đến vòng tròn luẩn quẩn trả đũa nhau mà không có hồi kết.

Tháng 7 vừa qua, Mỹ công bố gói thuế đầu tiên, với mức 25% đối với 34 tỷ USD mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc nhưng chừa ra số hàng hóa trị giá 16 tỷ USD do những quan ngại của các công ty Mỹ. Chính phủ của Tổng thống Donald Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc thực thi các chính sách thương mại không công bằng và đánh cắp công nghệ từ các tập đoàn của Mỹ.

Ông Trump cũng cam kết giảm thâm hụt mậu dịch với Bắc Kinh. Không những thế, trong bữa ăn cùng các doanh nghiệp tại câu lạc bộ golf ở Bedminster tối 7-8 (giờ địa phương), Tổng thống Trump chỉ trích sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho rằng dự án quy mô này có thể làm gián đoạn quan hệ thương mại toàn thế giới. Nhà Trắng cũng lên kế hoạch đưa thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào “tầm ngắm” để áp thuế trong tương lai.

Trung Quốc chỉ trích Mỹ đang có hành động “cưỡng bức thương mại”, đồng thời đưa ra thuế quan đối với lượng hàng nhập khẩu từ cường quốc bên kia bờ đại dương có giá trị tương đương để đáp trả. Truyền thông Trung Quốc cũng phê phán chính sách thương mại của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hãng Tân Hoa xã thậm chí mô tả rằng, “một số người chọn cách tiếp cận đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và bắt nạt thương mại” để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các nhà phân tích đều nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ liên tục leo thang. Theo chuyên gia Gary Hufbauer tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, Mỹ sẽ áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 10, trước đợt bầu cử. Dĩ nhiên Bắc Kinh sẽ không khoanh tay đứng nhìn và có hành động “ăn miếng trả miếng”.

Sự trả đũa qua lại không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát nhưng làm gia tăng quan ngại rằng, căng thẳng thương mại giữa hai ông lớn từ hai châu lục sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất, mức thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã thu hẹp lại trong tháng 7. Cụ thể, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 28,1 tỷ USD với Mỹ trong tháng 7, sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục 28,9 tỷ USD vào tháng 6.

Song, những con số này sẽ không làm dịu căng thẳng, nhất là trong tuần này, Tổng thống Trump sẽ ký một đạo luật nhằm tăng cường sự kiểm soát, giám sát của chính phủ Mỹ đối với các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm. Đạo luật này đã được Quốc hội Mỹ thông qua, tuy không nêu đích danh Trung Quốc nhưng nhằm vào Bắc Kinh.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.
.