Anh - EU vẫn loay hoay với Brexit

.

Không đạt được thỏa thuận tại Salzburg (Áo), Anh và Liên minh châu Âu (EU) không thể phá vỡ bế tắc trong đàm phán Brexit, chủ yếu do những bất đồng liên quan vấn đề biên giới và thương mại.

Thủ tướng Anh Theresa May không tìm được tiếng nói chung với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị Salzburg. Trong ảnh: Bà May (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại hội nghị. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Theresa May không tìm được tiếng nói chung với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị Salzburg. Trong ảnh: Bà May (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại hội nghị. Ảnh: Reuters

Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Salzburg ngày 19 và 20-9, Thủ tướng Anh Theresa May không tìm được tiếng nói chung với các đối tác trong liên minh để bảo đảm quốc gia của bà rời EU suôn sẻ. Vấn đề gai góc nhất trong đàm phán Brexit là tình trạng đường biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh) và Cộng hòa Ireland - thành viên của EU - sau Brexit. Làm sao kiểm soát hàng hóa lưu thông giữa Anh và EU nếu không có đường biên giới nói trên và nếu Bắc Ireland rời Liên minh thuế quan cũng như thị trường chung châu Âu?

EU ủng hộ quan điểm của Cộng hòa Ireland muốn duy trì tình trạng như hiện nay sau Brexit, tức không có đường biên giới cứng và các quy định của EU về thuế quan vẫn được áp dụng trên lãnh thổ Bắc Ireland. Song, Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh nên sau Brexit, Bắc Ireland cũng phải rời Liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu.

Thực tế, cả Anh lẫn EU đều muốn tránh tồn tại đường biên giới cứng để không ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland, hủy hoại thỏa thuận hòa bình được ký vào năm 1998 nhằm chấm dứt hàng thập niên xung đột tại đây. Vậy mà qua nhiều tháng đàm phán, Anh và EU chưa tìm ra giải pháp chung để duy trì “biên giới mở” này.

Hiển nhiên, khi đến Salzburg, Thủ tướng May chịu nhiều sức ép về việc phải đạt được tiến triển trong “đàm phán ly hôn” giữa Anh và EU để Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận. Nhà lãnh đạo này gọi kế hoạch Brexit của bà (còn gọi là kế hoạch Chequers) là “duy nhất đáng tin cậy và có thể đàm phán”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố thẳng thừng rằng thỏa thuận Brexit vẫn xa vời. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo, đề xuất của Anh liên quan đến vấn đề biên giới Ireland và mối quan hệ thương mại trong tương lai với EU cần được xem xét lại.

Ông Tusk muốn tháo gỡ bế tắc trước lúc các nhà lãnh đạo EU nhóm họp lại tại Brussels (Bỉ) vào ngày 18 và 19-10 tới. Song, ông bác bỏ điểm trọng tâm trong kế hoạch Brexit và cho rằng Anh cần có quan điểm “mềm hóa”, đồng thời không loại trừ một Brexit “không thỏa thuận”. Theo ông Tusk, hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 tới nếu mọi việc có tiến triển.

Trước quan điểm cứng rắn của các nhà lãnh đạo EU, Thủ tướng May khẳng định, nếu không thể đạt được thỏa thuận Brexit “chấp nhận được” đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không cần thỏa thuận.

Ở nước Anh, Thủ tướng May cũng đối mặt với nhiều sức ép bởi vấp phải sự phản đối từ chính các nghị sĩ đảng Bảo thủ của bà, trong đó có cả cựu Ngoại trưởng Boris Johnson. Ông Johnson đang đẩy mạnh chiến dịch phản đối kế hoạch Chequers tại hội nghị đảng Bảo thủ diễn ra vào cuối tháng 9 này. Nếu 40/315 nghị sĩ đảng Bảo thủ tại Hạ viện cùng nghị sĩ các đảng đối lập đồng loạt phủ quyết kế hoạch Chequers, nước Anh vẫn rời EU vào tháng 3-2019 mà không có thỏa thuận và phải tiến hành tổng tuyển cử hoặc một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.

Đương nhiên, một cuộc trưng cầu dân ý khác là điều mà bà May không hề mong muốn; đồng thời, kịch bản xấu không có thỏa thuận Brexit sẽ gây những hậu quả không chỉ cho nước Anh mà còn cho cả châu Âu, như cảnh báo của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.