Bước tiến lớn cho hòa bình ở bán đảo Triều Tiên

.

Thỏa thuận hòa bình Bình Nhưỡng - Tuyên bố chung ngày 19-9 là bước tiến lớn thúc đẩy hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Kết quả này cũng là thắng lợi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong hành trình kiến tạo hòa bình đầy nỗ lực của ông.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký kết thỏa thuận hòa bình Bình Nhưỡng. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký kết thỏa thuận hòa bình Bình Nhưỡng. Ảnh: Getty Images

Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, hai ông đã thống nhất xây dựng bán đảo Triều Tiên trở thành “mảnh đất hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và đe dọa hạt nhân”.

“Thỏa thuận ký kết tại Bình Nhưỡng sẽ đưa quan hệ liên Triều lên một tầm cao mới và hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ thúc đẩy kỷ nguyên hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên”, ông Kim Jong-un nhấn mạnh.

Với sự hiện diện của các chuyên gia nước ngoài, Triều Tiên sẽ hủy bỏ vĩnh viễn các cơ sở tên lửa chính của nước này. Hãng Reuters cho rằng, động thái mới nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm làm sống lại các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng sẵn sàng đóng cửa cơ sở hạt nhân chính Yongbyon nếu Mỹ có “hành động đáp lại tương xứng”.

Ông Kim Jong-un bất ngờ nói rằng sẽ đến thăm thủ đô Seoul trong tương lai gần. Nếu điều này thực sự diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo Triều Tiên sau hàng chục năm bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.

Trước đó, ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận quân sự toàn diện nhằm giảm thiểu nguy cơ đụng độ quân sự, giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, cũng như các thỏa thuận khác nối lại tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều trước cuối năm nay, nối lại các dự án chung như Khu công nghiệp Kaesong và tour du lịch núi Kumgang.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại những dự án này có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm làm cạn kiệt nguồn lực chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và khiến Mỹ thất vọng.

Trong lúc đó, theo Reuters, các cam kết giữa hai miền Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần 3 có thể tạo đà cho đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Bình Nhưỡng, mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un; hoàn thành mục tiêu số 1 của Tổng thống Moon Jae-in là phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nhà phân tích Michael Madden tại Trung tâm Nghiên cứu 38 North thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) gọi cam kết nói trên là “những cử chỉ thiện chí”, theo đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cuộc đàm phán hơn, với nội dung sâu sắc hơn.

Ông Madden nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần 2 “rất có thể diễn ra” và điều này nếu thành hiện thực sẽ thúc đẩy các hành động cụ thể nhằm “hoàn tất phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”, như cam kết của ông Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore ngày 12-6 vừa qua.

Hiện tại, đàm phán về việc thực hiện các cam kết mơ hồ trong Tuyên bố Mỹ - Triều bế tắc. Mỹ yêu cầu phải có hành động cụ thể đối với việc phi hạt nhân hóa, như tiết lộ đầy đủ tên các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trước khi Washington đáp ứng các yêu cầu của Bình Nhưỡng như tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Những kết quả tích cực tại thượng đỉnh liên Triều lần 3 đạt được trước khi Tổng thống Moon Jae-in đến New York (Mỹ) vào ngày 23-9 và gặp gỡ người đồng cấp Donald Trump bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vài ngày sau đó.

Áp lực nặng nề đối với Tổng thống Moon tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3 xem như được gỡ bỏ. Giới chức Seoul hy vọng người đứng đầu Nhà Xanh có thể thuyết phục Tổng thống Mỹ tái khởi động đàm phán hạt nhân với Triều Tiên sau khi ông Trump hoãn chuyến công cán của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng trước. Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong cho rằng, Mỹ nên đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.