Hiệp ước hòa bình Nga - Nhật khó khả thi

.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, hiệp ước hòa bình Nga - Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai cần thiết đối với khu vực. Tuy nhiên, khi bất đồng về tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết, hai nước sẽ khó ký hiệp ước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thành phố Vladivostok. 			Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thành phố Vladivostok. Ảnh: Reuters

Vấn đề hiệp ước hòa bình đã được Nga và Nhật Bản đàm phán hơn 70 năm qua nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất. Giờ đây, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 ở thành phố Vladivostok của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đề nghị với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng, từ nay đến cuối năm 2018, hai nước sẽ ký hiệp ước hòa bình mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào. Bản thân ông Abe cũng thể hiện quyết tâm cùng nhà lãnh đạo Nga thúc đẩy việc ký hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt sự thù địch giữa hai nước. Ban đầu, theo Điện Kremlin, Thủ tướng Abe vẫn chưa có câu trả lời chính thức về đề nghị của Tổng thống Putin, thậm chí ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh: “Tôi không nói đùa”. Ông Abe chỉ nói: “Mối quan hệ của chúng tôi với Nga có tiềm năng không giới hạn”.

Song, ngày 13-9, Thủ tướng Abe kêu gọi cải thiện các điều kiện để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga và ký kết hiệp ước hòa bình. Một trong các điều kiện mà ông đề cập là cần sự ủng hộ lớn hơn của người dân Nhật Bản và Nga.

Theo hãng CNBC, hiệp ước hòa bình liên quan đến vấn đề tranh chấp chuỗi đảo Kuril ở Thái Bình Dương kể từ Thế chiến thứ hai (được Nga gọi là Nam Kuril, Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc). Quần đảo Kuril hiện có 20.000 người sinh sống trên diện tích đảo 15.600 km2. Có 56 hòn đảo thuộc quần đảo này và nhiều khối đá nhỏ khác.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, quần đảo Kuril được sáp nhập vào Liên Xô nhưng Nhật Bản đòi quyền sở hữu 4 hòn đảo ở cực nam gồm Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai - được gọi chung là vùng lãnh thổ phương Bắc.

Năm 1956, Liên Xô và Nhật Bản ký tuyên bố chung ngừng tình trạng chiến tranh, khôi phục quan hệ ngoại giao nhưng đến nay vẫn chưa có hiệp ước hòa bình nào được ký.

Đầu năm 2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị Nga giảm hoạt động quân sự ở đảo Kuril sau khi Moscow đưa lực lượng cùng các máy bay chiến đấu đến khu vực này nhằm phản ứng với việc Tokyo triển khai hệ thống tên lửa Aegis của Mỹ. Hàng loạt cuộc đàm phán giữa hai nước cũng diễn ra sau đó.

Hiện Nhật Bản vẫn muốn lấy lại chuỗi đảo do Nga kiểm soát, như khẳng định của Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga ngày 12-9. “Lập trường của chúng tôi không thay đổi, đó là vấn đề vùng lãnh thổ phương Bắc cần được giải quyết trước khi ký bất kỳ hiệp ước hòa bình nào”, ông Suga nói. Kể từ khi làm Thủ tướng lần đầu vào năm 2012, ông Abe và ông Putin đã gặp gỡ 22 lần để bàn chuyện lãnh thổ nhưng hầu như ít đạt được tiến triển.

Năm 2016, khi Tổng thống Putin đến thành phố Nagato, tỉnh Yamaguchi - quê nội của Thủ tướng Abe, hai nhà lãnh đạo thống nhất khởi động các cuộc tham vấn về một hệ thống hoạt động kinh tế chung, bao gồm việc cho phép cư dân Nhật Bản sinh sống trên các đảo được tự do về thăm quê. Ông Abe giờ đây nói rằng, những lời hứa tại Nagato đang bắt đầu được thực hiện vững chắc và mối quan hệ Nga - Nhật Bản đang tiến triển ở cấp độ chưa từng có. Hai nước đã phê chuẩn chi tiết lộ trình thực hiện các hoạt động kinh tế chung trên quần đảo tranh chấp với các dự án ở các lĩnh vực: đánh bắt hải sản, du lịch, năng lượng nhẹ và gió, xử lý rác. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Nhật Bản trong năm 2017 đạt 18,261 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 20%.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, một khi lập trường của Nhật Bản về “vùng lãnh thổ phương Bắc” không thay đổi, hai nước sẽ khó ký hiệp ước hòa bình trong năm nay, như mong muốn của Tổng thống Nga.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.