Thượng đỉnh liên Triều lần 3: Cuộc gặp "từ trái tim đến trái tim"

.

Trong cuộc gặp “từ trái tim đến trái tim” với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay (18-9), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thúc đẩy “hòa bình vĩnh viễn, không thể đảo ngược” và một cuộc đối thoại tốt hơn giữa Mỹ với Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4-2018. Ảnh: Getty Images
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4-2018. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 là cuộc gặp “từ trái tim đến trái tim”. Ông đáp chuyến bay đến Bình Nhưỡng cùng 200 người gồm quan chức, đại diện doanh nghiệp và nhà báo; trong đó có Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Suh Hoon, Ngoại trưởng Kang Kyung Wha, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung Gyon, Bộ trưởng Quốc phòng Song Young Moo và Cố vấn An ninh quốc gia Chung Eui Yong. Máy bay chở Tổng thống Moon cùng đoàn tùy tùng rời sân bay Seoul ở Seongnam lúc 8 giờ 40 ngày 18-9 và hạ cánh ở sân bay Bình Nhưỡng lúc 10 giờ.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 diễn ra trong lúc quan hệ giữa hai miền được cải thiện và có những dấu hiệu triển vọng về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ hy vọng về cuộc “ngoại giao hạt nhân” lần này nhưng Chánh văn phòng của ông không lạc quan mấy, bởi người đứng đầu Nhà Xanh phải đạt được cái gì đó thực chất hơn trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hơn là những tuyên bố chung chung, mơ hồ.

“Tôi mong muốn có nhiều cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim với Chủ tịch Kim Jong-un”, Tổng thống Moon Jae-in nói trong cuộc họp với các cố vấn hàng đầu tại Seoul. “Những gì tôi muốn là hòa bình, nghĩa là hòa bình vĩnh viễn, không thể đảo ngược”, ông Moon nhấn mạnh.

Hãng AP cho biết, để đạt được hòa bình như thế, Tổng thống Hàn Quốc nói rằng, trong chương trình nghị sự với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông sẽ tập trung giảm căng thẳng quân sự kéo dài trong nhiều thập niên giữa hai miền, đồng thời thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Ông Moon muốn tìm giải pháp hài hòa làm trung gian giữa yêu cầu của Mỹ về việc phi hạt nhân hóa và yêu cầu của Bình Nhưỡng về việc có sự đáp lại tương ứng với thiện chí của nước này, chẳng hạn chấm dứt mối quan hệ thù địch và bảo đảm an ninh.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6 vừa qua ở Singapore, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa, còn Tổng thống Donald Trump hứa bảo đảm an ninh cho Triều Tiên và tuyên bố ngừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc. Song, đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên nhiều tháng qua vẫn rơi vào bế tắc.

Thực tế, Triều Tiên đã có một số bước đi nhằm thực hiện Tuyên bố Mỹ - Triều, như dỡ bỏ các bãi thử nghiệm động cơ tên lửa và hạt nhân, trong đó có bãi thử Punggye-ri, nơi diễn ra 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Song, các quan chức Mỹ nói rằng, Bình Nhưỡng phải có những bước giải giáp tích cực hơn trước khi nhận được sự nhượng bộ từ bên ngoài.

Tháng 8 vừa qua, Hàn Quốc và Triều Tiên bắt đầu dỡ bỏ một số trạm gác dọc biên giới, ngừng các hoạt động thù địch dọc lãnh hải, xem đây là một phần trong những biện pháp xây dựng lòng tin.

Hai miền cũng tháo dỡ hệ thống loa tuyên truyền công suất lớn tại khu vực phi quân sự (DMZ); tổ chức các cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên. Mới nhất, hai bên đã mở cửa văn phòng liên lạc chung nhằm tạo kênh liên lạc mới, thường xuyên và hiệu quả.

Sáng 17-9, ông Im Jong-seok, Chánh văn phòng Tổng thống Hàn Quốc phát biểu với báo giới rằng, “khó có cái nhìn lạc quan” về tiến trình phi hạt nhân hóa trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này. Ông Im Jong-seok hy vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mang lại các thỏa thuận ý nghĩa, theo đó “loại bỏ nguy cơ xung đột vũ trang và giảm lo ngại xảy ra chiến tranh” giữa hai miền Triều Tiên. Ông Im Jong-seok nói rằng, các thỏa thuận sẽ thúc đẩy cơ hội ký kết hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.