Trung Quốc tăng vị thế với châu Phi

.

Diễn đàn Hợp tác Trung - Phi (FOCAC) diễn ra ngày 3 và 4-9 tại thủ đô Bắc Kinh là dịp để Trung Quốc gia tăng vị thế đối với “lục địa đen”, bất chấp những chỉ trích về hình thức ngoại giao “bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) chào đón Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thăm Bắc Kinh và tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung - Phi.			Ảnh: Tân Hoa xã
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) chào đón Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thăm Bắc Kinh và tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung - Phi. Ảnh: Tân Hoa xã

Hãng AFP cho biết, các cuộc đối thoại FOCAC tập trung vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” - chương trình phát triển hạ tầng đầy tham vọng kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi; thúc đẩy sự tiếp cận của Bắc Kinh đối với các thị trường nước ngoài, cụ thể là châu Phi với 1,2 tỷ dân; gia tăng ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới…

Các nhà lãnh đạo của hơn 50 quốc gia châu Phi tham dự FOCAC sẽ chờ Trung Quốc đưa ra các cam kết lớn hơn trong việc viện trợ tài chính cho “lục địa đen”. Tại FOCAC lần gần đây nhất (năm 2015) ở Johannesburg (Nam Phi), Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết viện trợ và cho các nước châu Phi vay 60 tỷ USD. Song, chỉ từ năm 2000-2016, tổng số tiền Trung Quốc đầu tư thông qua việc cung cấp các khoản vay cho các nước châu Phi đã lên đến 125 tỷ USD. Riêng trong thập niên qua, Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, trong lúc ảnh hưởng của Mỹ ở châu lục này ngày càng mờ nhạt. Không những thế, Bắc Kinh còn chú trọng vấn đề an ninh, đồng thời tham gia hòa giải xung đột và cứu trợ nhân đạo tại châu Phi.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với những người đồng cấp châu Phi rằng, FOCAC là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình vạch ra tầm nhìn cụ thể trong việc xây dựng cộng đồng Trung - Phi với một tương lai chung, cũng như công bố các đề xuất và biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên. Ngày 3-9, phát biểu tại diễn đàn, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc rót tiền vào châu Phi không có sự ràng buộc nào về chính trị. “Trung Quốc không can dự vào các công việc nội bộ của châu Phi và không áp đặt ý muốn của mình lên châu Phi”, ông Tập Cận Bình nói.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện về kinh tế và quân sự ở châu Phi làm dấy lên nỗi lo nợ nần đè nặng lên lục địa này. Hãng AFP dẫn một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển toàn cầu bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về tính bền vững của các khoản nợ nước ngoài tại 8 nước châu Á, châu Âu và châu Phi nhận tiền từ dự án “Vành đai và Con đường”. 8 quốc gia này bao gồm: Pakistan, Djibouti, Maldives, Mông Cổ, Lào, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.

Trong đó, Djibouti ngày càng phụ thuộc tài chính vào Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2016, Trung Quốc nắm tới 77% tổng nợ của Djibouti. Song, theo Tổng thống Rwanda Paul Kagame, hiện giữ chức Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), cụm từ “bẫy nợ” là cách nói nhằm ngăn cản sự gắn kết giữa lục địa của ông với Trung Quốc.

Trung Quốc đang thúc giục thêm các nước châu Phi tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Phía Trung Quốc cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng Bắc Kinh đang “giết chết” các nước châu Phi bằng những khoản nợ. Tuần trước, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Tiền Khắc Minh nhận định, gánh nặng nợ công của châu Phi đang ngày càng nghiêm trọng do khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá cả hàng hóa sụt giảm, chứ không do nước ông tạo ra.

Tất nhiên, có nhiều lý do để Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến châu Phi, một phần là nguồn tài nguyên thiên nhiên của lục địa này luôn hấp dẫn một đất nước đang “khát” dầu mỏ, quặng sắt…; một phần nữa là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang, Bắc Kinh cần một thị trường rộng lớn để giảm thiểu tác động từ các hàng rào thuế quan của Washington. Chuyến công du của ông Tập Cận Bình đến 4 quốc gia châu Phi (gồm Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius) hồi tháng 7 vừa qua cũng không ngoài mục đích như thế. Và chiến lược gia tăng vị thế của Trung Quốc cùng những bước tiến vượt bậc giữa Bắc Kinh với châu Phi trong cuộc đua tìm kiếm lợi ích làm Mỹ lo ngại.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.