Afghanistan lo ngại an ninh ngày bầu cử

.

Afghanistan đang khẩn trương chuẩn bị tổng tuyển cử vào ngày 20-10. Song, cuộc bầu cử vốn bị hoãn từ lâu này có thể không suôn sẻ khi Taliban dọa sẽ gây ra các vụ tấn công và kêu gọi người dân không tham gia bỏ phiếu.

Chân dung các ứng cử viên được treo trên đường phố thủ đô Kabul.  Ảnh: AFP/Getty Images
Chân dung các ứng cử viên được treo trên đường phố thủ đô Kabul. Ảnh: AFP/Getty Images

Cuộc bầu cử Quốc hội và các hội đồng địa phương ở Afghanistan vốn được xem là đợt diễn tập quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2019. Hãng AFP cho biết, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid mô tả cuộc tổng tuyển cử là “âm mưu thâm độc của Mỹ” nhằm hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Mỹ và lực lượng đồng minh tại Afghanistan. Taliban cam kết sẽ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan trong sự kiện bỏ phiếu sắp tới.

“Những người đang cố giúp đỡ để tổ chức thành công tiến trình bầu cử này bằng việc bảo đảm an ninh sẽ là mục tiêu tấn công”, tuyên bố của Taliban nêu rõ.

Đe dọa nói trên làm dấy lên nhiều quan ngại. Công tác chuẩn bị bầu cử trở nên lộn xộn với những cáo buộc gian lận và lo sợ bạo lực. Các quan chức bầu cử ban đầu chuẩn bị 7.355 điểm bỏ phiếu trên cả nước nhưng chỉ 5.100 điểm có thể mở cửa do vấn đề an ninh, ảnh hưởng đến 9 triệu cử tri.

Hơn 2.500 ứng cử viên đến từ 33 trong số 34 tỉnh tranh cử vào 249 ghế Hạ viện. Chiến dịch tranh cử được bắt đầu vào cuối tháng 9 vừa qua, kết thúc vào ngày 17-10, sau đó là “2 ngày im lặng” để ngăn chặn mọi động thái gây sức ép đối với cử tri trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Afghanistan từ lâu rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội và phiến quân Taliban. Hiện lực lượng nổi dậy Taliban vẫn kiểm soát 1/3 lãnh thổ Afghanistan. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, kể từ tháng 1-2009 đến nay, hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do bạo lực.

Khả năng thành công của kế hoạch do Mỹ đưa ra nhằm buộc phiến quân ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan luôn bị hoài nghi. Mức độ tin cậy của chính phủ Kabul vốn được phương Tây hậu thuẫn cũng bị đe dọa. Hiện có khoảng 14.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Afghanistan, giảm hơn nhiều so với con số 100.000 binh sĩ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Trong những tháng gần đây, nhiều vụ tấn công đã xảy ra do Taliban và các chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện, làm hàng trăm người chết.

Trong lúc đó, trước những đồn đoán về khả năng hoãn bầu cử, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani nhiều lần khẳng định, mọi việc vẫn diễn ra theo kế hoạch. Người phát ngôn Ủy ban Bầu cử Độc lập (IEC) Syed Hafizullah Hashimi cũng nói: “100% bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 20-10”. Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ở Afghanistan thời hậu Taliban được tổ chức vào năm 2005, lần thứ 2 vào năm 2010. Cuộc bầu cử lập pháp lần thứ 3 dự định tổ chức vào đầu năm 2015 nhưng nhiều lần bị trì hoãn.

Ông Jawid Kohistani, cựu quan chức quân đội Afghanistan, hiện là nhà phân tích chính trị độc lập cho rằng, các cuộc bầu cử sắp tới là “cơn ác mộng” cho người dân quốc gia Nam Á này. “Nhiều người có thể chết”, ông Kohistani nói.

Bên cạnh các vấn đề về an ninh, Afghanistan còn đối mặt với sự rạn nứt giữa các thành viên trong chính phủ, sự bất mãn giữa các lãnh đạo phe nhóm liên quan tiến trình bầu cử và cáo buộc Tổng thống Ghani đang tìm cách thao túng kết quả bỏ phiếu để mở đường giúp ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào 6 tháng sau.

Phái viên cấp cao của Mỹ Zalmay Khalilzad ngày 9-10 đến Pakistan nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ nước này trong việc đưa phiến quân Taliban vào bàn đàm phán hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 17 năm qua tại quốc gia láng giềng Afghanistan.
 
Washington và Kabul vẫn chỉ trích Pakistan cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho Taliban nhưng Islamabad bác bỏ cáo buộc này. 
 
Theo hãng Reuters, trước đó, ông Khalilzad gặp gỡ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Kabul. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, sau chuyến thăm Afghanistan và Pakistan, phái viên Khalilzad cũng có kế hoạch thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar trong chuyến công du 10 ngày nhằm “phối hợp và dẫn đầu các nỗ lực của Mỹ để đưa Taliban vào bàn đàm phán”. 
 
THƯ LÊ

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.