Indonesia: Hơn 830 người chết vì thảm họa kép

.

Số người chết trong thảm họa kép động đất, sóng thần ở thành phố Palu, đảo Sulawesi của Indonesia đã lên đến hơn 830 người nhưng có thể tiếp tục tăng cao bởi còn nhiều người mắc kẹt trong đống đổ nát.

Những người bị thương nằm la liệt bên ngoài một bệnh viện ở thành phố Palu. Bệnh viện này cũng bị thiệt hại do thảm họa kép. 					             Ảnh: AFP/Getty Images
Những người bị thương nằm la liệt bên ngoài một bệnh viện ở thành phố Palu. Bệnh viện này cũng bị thiệt hại do thảm họa kép. Ảnh: AFP/Getty Images

Hai trận động đất mạnh 6,1 độ Richter và 7,5 độ Richter liên tiếp xảy ra vào chiều 28-9 làm rung chuyển cả khu vực đảo Sulawesi, tạo nên sóng thần với những cột sóng cao đến 6m ở thành phố Palu và những cột sóng cao 3m ở thị trấn Donggala.

Số người chết tiếp tục tăng

Trong cuộc họp báo ngày 30-9, người phát ngôn cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, số người chết đã lên đến 832 người, riêng ở thành phố Palu - nơi cách tâm chấn động đất khoảng 100km có 420 người thiệt mạng.

Theo ông Nugroho, chưa có báo cáo toàn diện về số thương vong ở các khu vực lân cận. “Số người chết sẽ gia tăng bởi còn nhiều thi thể trong đống đổ nát, nhiều khu vực vẫn chưa tiếp cận được”, ông Nugroho nói. Vị quan chức của cơ quan Giảm nhẹ thiên tai cũng cho hay, “hàng chục ngàn” người tham gia một lễ hội ở Palu thì xảy ra sóng thần. Hiện chưa rõ số phận của những người này.

Theo Reuters, các thị trấn Donggala và Mamuju cũng bị tàn phá nhưng chưa có thông tin về thiệt hại ở những khu vực này do đường sá và các hệ thống thông tin bị hư hại. Hình ảnh được phát sóng trên kênh MetroTV cho thấy cảnh ngổn ngang, tan hoang ở Donggala khi sóng thần rút đi; còn những người may mắn sống sót ở Palu thì hoảng sợ la hét và bỏ chạy; nhiều người phải ngủ ngoài trời với nỗi lo các cơn dư chấn tiếp diễn. Hàng trăm người bị thương nên các bệnh viện bị ảnh hưởng trận động đất mạnh 7,5 độ Richter trở nên quá tải.

Trong số những người chết ở thành phố Palu có nhiều trẻ em.  Ảnh: AFP
Trong số những người chết ở thành phố Palu có nhiều trẻ em. Ảnh: AFP

Hơn 43 triệu USD cho công tác cứu trợ

Tối 30-9, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo đến khu vực thiệt hại và đến thăm các trung tâm sơ tán. Nhà lãnh đạo này tuyên bố sẽ hành động nhanh nhất có thể, đồng thời trực tiếp tham gia chỉ đạo các hoạt động cứu hộ, cứu trợ.

Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị 560 tỷ rupiah (hơn 43 triệu USD) để chi cho công tác cứu trợ. Số tiền này được giải ngân trong ngày 30-9 nhằm hỗ trợ các nạn nhân, giúp giảm thiểu số người thiệt mạng và hỗ trợ những người bị thương.

Hàng cứu trợ khẩn cấp được gửi đến những khu vực thiệt hại thông qua máy bay thương mại và quân sự. Song, công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại. Người đứng đầu Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (BNPB) Willem Rampangilei xác nhận với báo giới rằng, lực lượng cứu hộ gặp khó khăn trong việc triển khai các thiết bị tìm kiếm nạn nhân bị kẹt trong lớp đất đá.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, các quan chức của tổ chức quốc tế này đã liên hệ với giới chức Indonesia và sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu.

Theo Thủ tướng Úc Scott Morrison, tuy Indonesia không nhờ giúp đỡ nhưng ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Widodo để chia sẻ và đề nghị hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này khắc phục hậu quả thảm họa.

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia đã quá quen thuộc với các trận động đất và sóng thần có số thương vong lớn.

Năm 2004, trận động đất ở đảo Sumatra kéo theo sóng thần trên Ấn Độ Dương đã làm 226.000 ở 13 quốc gia thiệt mạng, trong đó có hơn 120.000 nạn nhân ở Indonesia. Mới đây, tháng 8-2018, hàng loạt trận động đất đã làm hơn 500 người chết ở đảo du lịch Lombok, cách Sulawesi hàng trăm km về phía tây nam.

Vấn đề đặt ra là vì sao hệ thống cảnh báo sóng thần vốn đã được thiết lập ở Indonesia lại không có tác dụng vào thời điểm xảy ra thảm họa. Hãng AP cho hay, ngay sau động đất, Cơ quan Khí tượng thủy văn Indonesia (BMKG) đã phát cảnh báo sóng thần nhưng dỡ bỏ lệnh này sau đó 34 phút.

Vì vậy, BMKG bị chỉ trích nặng nề, trong khi các quan chức địa phương đều cho rằng những con sóng lớn đã tới ngay khi cảnh báo sóng thần được đưa ra. Tuy nhiên, chuyên gia địa vật lý học Baptiste Gombert tại Đại học Oxford cho rằng, việc sóng thần xuất hiện sau trận động đất ngoài khơi Palu khiến giới nghiên cứu bất ngờ.

Được tin động đất và sóng thần xảy ra tại thành phố Palu, tỉnh Sulawesi, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ngày 29-9, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện thăm hỏi đến Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Indonesia Bambang Soesatyo; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi.                     
TTXVN

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.