Indonesia: Khó khăn chồng chất sau thảm họa kép

.

Ngày thứ tư sau thảm họa động đất và sóng thần ở đảo Sulawesi, việc khắc phục hậu quả vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi người dân phản ứng tức giận, cho rằng công tác cứu nạn chỉ tập trung ở thành phố Palu.

Nurul Istikharah, nạn nhân 15 tuổi, được đưa ra khỏi lớp bùn đất. 			                     Ảnh: AP
Nurul Istikharah, nạn nhân 15 tuổi, được đưa ra khỏi lớp bùn đất. Ảnh: AP

Hãng AP dẫn lời người phát ngôn cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta cho biết, tính đến chiều 2-10, số người chết trong động đất và sóng thần tăng lên 1.249 người và 799 người khác bị thương tại 4 khu vực bị thiệt hại nghiêm trọng nhất gồm: Palu, Donggala, Sigi và Parigi Muntong. Tại làng Balaroa (thuộc thành phố Palu) và thị trấn Sigi vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt trong đống đổ nát nên số người chết có thể tiếp tục tăng. Ông Nugroho cũng cho hay, gần 62.000 người bị mất nhà cửa.

Tổng cộng 153 nạn nhân được an táng vào ngày 1-10 trong một ngôi mộ tập thể. Hoạt động cứu trợ được tiếp tục trong ngày 2-10 với những nỗ lực của chính phủ Indonesia nhằm thúc đẩy việc phân phối các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Song, AP cho hay, nhiều người dân tức giận khi trải qua ngày thứ tư trong tình trạng thiếu lương thực và nước uống. Họ cho rằng, công tác cứu nạn chỉ tập trung ở Palu, cách thủ đô Jakarta 1.500km về phía đông bắc, trong khi Donggala - nơi có 300.000 người sinh sống, ở phía bắc Palu - và những khu vực xa xôi khác nhận rất ít hàng cứu trợ do việc lưu thông trên nhiều tuyến đường vẫn chưa thuận lợi. Sự tuyệt vọng ở Donggala do mất nhà cửa, thiếu thực phẩm, nước uống hay các vật dụng cần thiết đã biến thành phẫn nộ; thậm chí, người dân cầu xin Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo. “Hãy chú ý đến Donggala, ngài Jokowi. Xin hãy chú ý đến Donggala”, một người dân hét lên trong đoạn video phát sóng trên truyền hình địa phương và cho biết vẫn còn nhiều ngôi làng nơi đây chưa được lực lượng cứu hộ tiếp cận.

Người đứng đầu thị trấn Donggala, ông Kasman Lassa, xác nhận việc người dân địa phương này hiện không có cái ăn. “Chúng tôi đã cung cấp thực phẩm và gạo nhưng vẫn không đủ. Có rất nhiều người ở đây. Vì thế, chúng tôi không thể bắt họ chịu đựng lâu hơn nữa”, ông Lassa nói. Nhiều người đổ đến các cửa hàng và tranh giành nước uống, lương thực, hàng hóa còn sót lại.

Tại Palu, nhiều tấm biển xuất hiện trên đường phố mang dòng chữ: “Chúng tôi cần lương thực”, “Chúng tôi cần sự hỗ trợ”. Không những thế, người dân còn phong tỏa các con đường ở Palu, chặn các xe tải chở thực phẩm, dù cảnh sát có mặt nhưng không thể ngăn cản. Người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế Jan Gelfand mô tả tình hình ở những khu vực nói trên chẳng khác gì “ác mộng”.

Lực lượng tìm kiếm những người sống sót bị kẹt trong những ngôi nhà bị phá hủy gặp nhiều khó khăn do thiếu thiết bị hạng nặng để dọn dẹp đống đất đá và bùn. Đội cứu hộ buộc phải đào bới bằng tay để đưa thi thể các nạn nhân hoặc giải cứu những người còn sống ra ngoài. Tổng thống Widodo đã chỉ thị các cơ quan chức năng tiếp nhận sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có thiết bị hạng nặng và lều bạt. Nhà lãnh đạo Indonesia xác định một số ưu tiên chính: công tác sơ tán, tìm kiếm và cứu các nạn nhân; đồng thời yêu cầu cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia đưa cảnh sát, binh sĩ quân đội đến những khu vực bị thiệt hại. Các nạn nhân ở Palu và Donggala sẽ được chuyển đến thành phố Balikpapan trên đảo Đông Kalimantan.

Liên minh châu Âu (EU) và khoảng 10 quốc gia khác đã đề nghị hỗ trợ Indonesia. Ngày 2-10, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết, sau khi hỗ trợ các nạn nhân thảm họa 360.000 USD, chính phủ của ông đã trao đổi với các nhà chức trách Indonesia để tiếp tục viện trợ lần 2.

191.000
là số người ở đảo Sulawesi của Indonesia đang cần được trợ giúp khẩn cấp sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 28-9, trong đó có 46.000 trẻ em và 14.000 người cao tuổi, theo thông tin từ Văn phòng điều phối nhân đạo của Liên Hợp Quốc. (AFP)
Ngày 2-10, Chính phủ Việt Nam quyết định viện trợ khẩn cấp 100.000 USD, góp phần hỗ trợ Chính phủ Indonesia và người dân vùng bị nạn khắc phục hậu quả.
        Nguồn tin: TTXVN

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.
.