Nỗ lực tái thiết Trung Sulawesi

.

Chính phủ Indonesia quyết định dừng tìm kiếm các nạn nhân vụ động đất và sóng thần từ ngày 11-10.

Sau đó khu vực Trung Sulawesi sẽ bắt đầu chuyển từ tình trạng ứng phó khẩn cấp để bước vào giai đoạn phục hồi và tái thiết với sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ngành, trong đó Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia (BNBP) Indonesia được giao nhiệm vụ tập hợp tính toán các nhu cầu và lập kế hoạch cho các bước tái thiết.

Máy xúc nâng một chiếc ô-tô ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Palu, Trung Sulawesi, Indonesia. Ảnh: REUTERS/Athit Perawongmetha
Máy xúc nâng một chiếc ô-tô ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Palu, Trung Sulawesi, Indonesia. Ảnh: REUTERS/Athit Perawongmetha

Thiệt hại lớn do mất cảnh giác

Indonesia nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm, nên thường xuyên đối mặt với động đất và núi lửa.

Chiều 28-9, tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh, làm rung chuyển cả khu vực, sau đó một thảm họa kép xảy ra khi những cột sóng thần cao tới 6m nhấn chìm tất cả những gì nó đi qua khiến hàng nghìn người thiệt mạng, mất tích. Thảm họa này cũng đã phá hủy nhiều nhà cửa và công trình xây dựng trong khu vực.

Theo AP, ông Sutopo Purwo Nugroho, Trưởng bộ phận Dữ liệu, Thông tin và Quan hệ công chúng thuộc BNBP cho biết, tính đến 13 giờ ngày 9-10, số người thiệt mạng trong các trận động đất, sóng thần ở Trung Sulawesi lên tới 2.010, trong khi số người bị thương là 10.679.

Hiện vẫn còn 671 người mất tích trong các đống đổ nát, 67.310 nhà cửa bị hư hại và 82.775 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Tuy nhiên, hiện có thông tin cho rằng còn khoảng 5.000 người chưa rõ tung tích theo báo cáo từ chính quyền tại các làng Balaroa và Petobo, hai địa phương cạnh Palu - thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa sóng thần ngày 28-9.

Ông Sutopo Purwo Nugroho cũng cho biết, cơ quan chức năng đang cố gắng tập hợp dữ liệu và xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, ông khẳng định khó có thể xác định chính xác số nạn nhân đang bị mắc kẹt trong những lớp đất, bùn hiện nay.

 Lực lượng cứu hộ Indonesia đã chạy đua với thời gian để tìm kiếm người mất tích, tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia khẳng định việc tìm thấy người còn sống sau 10 ngày xảy ra thảm họa thiên tai chỉ là hy vọng mong manh.

Ngay sau khi động đất xảy ra, mặc dù công tác cứu hộ từ cả quốc tế và trong nước được nỗ lực triển khai, song do quá trình vận chuyển gặp khó khăn, đường sá bị thiệt hại nặng nề sau động đất, sóng thần, tình trạng chậm trễ tiếp cận với lương thực, thực phẩm… đã khiến nhiều người xông vào các cửa hàng cướp bóc.

Vấn đề thiếu thức ăn và nước uống càng trở nên nghiêm trọng. Tổ chức Chữ thập đỏ của Indonesia phải dựng nhiều nhà tạm tập kết hàng cứu trợ để phân phối đến các khu vực trên đảo Sulawesi.

Hậu quả lớn của trận sóng thần này một phần là do công tác cảnh báo. Người dân địa phương cho biết còi báo động đã không kêu khi thảm họa xảy ra. Các tin nhắn cảnh báo cũng không gửi được vì các cột tín hiệu di động đều đã bị sập trong động đất. 

Theo New York Times, lệnh cảnh báo sóng thần của Indonesia có thể đã được dỡ bỏ quá sớm trước khi tất cả con sóng đổ bộ vào đất liền. Điều này khiến nhiều người dân địa phương mất cảnh giác.

Cộng đồng quốc tế chung tay cứu trợ

Theo quy định, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia (Basarnas) chỉ thực hiện chiến dịch tìm kiếm nạn nhân trong 7 ngày, tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của các trận động đất, sóng thần vừa qua, chiến dịch này đã kéo dài 14 ngày.

Chính phủ Indonesia quyết định dừng tìm kiếm các nạn nhân từ ngày 11-10. Ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết, việc ngừng tìm kiếm nạn nhân không có nghĩa là dừng các hoạt động cứu trợ mà lực lượng chức năng Indonesia xác định chuyển sang tập trung cho giai đoạn tiếp tục sơ tán, ổn định nơi ở, chăm sóc, chữa trị cho những người bị thương, đồng thời phục vụ những người sống sót.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Abdurrahman Mohammad Fachir, tính đến ngày 6-10 đã có 22 quốc gia cam kết giúp đỡ các nạn nhân ở miền Trung Sulawesi. Indonesia đã cấp giấy phép bay cho các máy bay từ 18 quốc gia để vận chuyển viện trợ.

Lưu lượng chuyến bay tại sân bay Mutiara Sis Al-Jufri ở Palu rất hạn chế do sân bay bị hư hại chưa thể khắc phục. Các chuyến bay chở hàng viện trợ nước ngoài đã phải hạ cánh ở Balikpapan trước khi chờ đến lượt vào Palu. Một số máy bay loại lớn đã phải bốc dỡ hàng để chuyển sang máy bay nhỏ.

Hàng viện trợ từ Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã đến Palu sau khi chờ hai ngày ở Balikpapan; trong khi đó, máy bay chở 8 tấn hàng cứu trợ từ Nhật Bản cũng đã đến Palu. Tokyo cũng đã cử máy bay Hercules C-130 và 51 nhân viên quản lý thiên tai từ các lực lượng vũ trang đến Indonesia giúp nước này khắc phục thiệt hại động đất. 

Ngoài ra, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã gửi viện trợ 500 lều, 20.000 máy lọc nước và 80 máy phát điện. 20 công ty của Nhật Bản cũng đã gây quỹ 5 tỷ rupiah (330.000 USD) để ủng hộ các nạn nhân. JICA cũng cam kết sẽ hỗ trợ Indonesia trong việc tái thiết Palu, Donggala và khu vực lân cận sau thảm họa.

Ngoài các loại hàng hóa, một số nước khác đã cam kết gửi tiền dưới hình thức quyên góp để hỗ trợ Indonesia khắc phục hậu quả thiên tai với tổng số 220 tỷ Rupiah (tương đương hơn 16 triệu USD), trong đó Venezuela cam kết gửi 10 triệu USD, Trung Quốc ủng hộ 200.000 USD, Liên minh Châu Âu quyên góp 1,5 triệu EURO (gần 2 triệu USD), Việt Nam ủng hộ 100.000 USD và Lào ủng hộ 100.000 USD.

Bên cạnh đó, lãnh đạo và nhân viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyên góp 2 tỷ Rupiah (tương đương hơn 131.000 USD). Theo BNBP, một phần trong quỹ này sẽ được phân bổ cho chương trình phục hồi và tái thiết các khu vực thiệt hại.

Trước thực tế Indonesia đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động cứu hộ và vận chuyển vật phẩm do cơ sở vật chất các sân bay, đường sá bị thiệt hại nặng nề sau động đất, sóng thần, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thảo luận với phía Indonesia, quyết định điều 2 máy bay vận tải quân sự và 31 nhân viên điều hành bay tới khu vực thiệt hại. Các máy bay này sẽ chở 130 lều trú ngụ tạm thời cho những người dân đang phải đi sơ tán.

Sau những nỗ lực triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, đến ngày 10-10, điều kiện xã hội ở Trung Sulawesi đã có sự cải thiện. Hệ thống điện khôi phục được 90%, mạng viễn thông hầu như đã phục hồi hoàn toàn.

Tổng cộng 27 trạm xăng đã được vận hành. Các kho dự trữ tại Donggalan và Palu vẫn còn đủ. Nguồn nhiên liệu được cung cấp thông qua Donggala mỗi ngày bảo đảm đủ nhu cầu của khu vực Palu.

Tuy nhiên, tình hình nước sạch hiện vẫn còn nhiều hạn chế vì hệ thống nước sạch hầu hết ngầm dưới đất. Hiện nay, nước sạch chỉ được cung cấp thông qua xe bồn. Palu đã thiết lập được 30 vòi nước công cộng và trong vài ngày tới sẽ có thêm gần 20 vòi nước được bổ sung. Về dịch vụ y tế, hiện khu vực này đã có 14 bệnh viện hoạt động.

Ngoài ra, còn có 1 bệnh viện nổi và 1 bệnh viện dã chiến cũng được mở ở cảng Pantoloan. Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã cử lực lượng chuyên gia đối phó thảm họa và bác sĩ cùng nhiều hàng hóa viện trợ cho Indonesia.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 10-8 khẳng định, sau khi giai đoạn khẩn cấp qua đi, Chính phủ sẽ lên kế hoạch cho các hoạt động tái thiết, xây dựng và sửa chữa nhà ở và cơ sở hạ tầng dịch vụ cho khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 6,9 độ richter vừa qua.

Tuy nhiên, Tổng thống Joko Widodo cũng bày tỏ lo ngại các dư chấn sau động đất có thể ảnh hưởng đến hoạt động tái thiết. Tổng thống Joko Widodo sẽ có chuyến thăm đến đảo Lombok vào tuần tới để chỉ đạo công tác cứu trợ và tái thiết. Dự kiến sẽ phải mất 2 năm để thực hiện các kế hoạch tái thiết.

Đoàn Gia Huy

;
.
.
.
.
.
.