Vì sao Đại sứ Mỹ Nikki Haley từ chức?

.

Quyết định từ chức của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley gây sốc cho các quan chức trong Nhà Trắng. Nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng vẫn chưa lý giải vì sao một “ngôi sao đang lên” trong chính phủ Mỹ, một người có sức ảnh hưởng tại LHQ lại bất ngờ từ nhiệm.

Từ khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley hầu như ủng hộ toàn bộ chủ trương, quan điểm của Tổng thống Donald Trump.  Ảnh: New York Times
Từ khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley hầu như ủng hộ toàn bộ chủ trương, quan điểm của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: New York Times

Đại sứ Nikki Haley bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm nay. Quyết định này được đưa ra khi chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Theo đó, bà Haley là thành viên mới nhất trong nội các của Tổng thống Donald Trump từ chức, sau sự từ nhiệm của người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) Scott Pruitt, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Tom Price, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Cựu chiến binh David Shulkin, Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin…

Phát biểu tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 9-10 (sáng 10-10, giờ Việt Nam), Đại sứ Nikki Haley nói rằng, bà không có “lý do cá nhân” cho việc từ chức nhưng cảm thấy nên để một người khác đảm nhận vai trò này sau khi bà có 8 năm trên cương vị Thống đốc bang Nam Carolina và Đại sứ tại LHQ. Bà Haley cảm ơn Tổng thống đã chọn bà làm Đại sứ tại LHQ, đồng thời ca ngợi các cộng sự ở Nhà Trắng, trong đó con gái và con rể của ông Trump là Ivanka Trump và Jared Kushner. Bà Haley nói rằng, đến lúc “cần đứng sang một bên” sau chuỗi nhiệm vụ đầy thử thách.

Hãng AP cho biết, Tổng thống Trump đã chấp nhận đơn từ chức của bà Haley nhưng ông không công bố tên người kế nhiệm. Theo các nguồn tin, ông Trump đang cân nhắc chọn bà Dina Powell - nhà điều hành Goldman Sachs, đồng thời là cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia - làm Đại sứ Mỹ tại LHQ, chứ không như đồn đoán rằng ông sẽ bổ nhiệm con gái Ivanka giữ vị trí này.

Được bổ nhiệm vị trí Đại sứ Mỹ tại LHQ vào tháng 11-2016 ngay sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, bà Haley (hiện 46 tuổi) được xem là “ngôi sao đang lên” trong chính phủ. Bà đại diện cho Washington ở LHQ trong nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, trong đó có chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, xung đột ở Syria… Bà Haley từng thể hiện quan điểm cứng rắn về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1; biện hộ về việc Mỹ cắt giảm viện trợ nước ngoài; lên tiếng về việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga; bảo vệ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; hay chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc… Nhìn chung, bà ủng hộ tất cả quan điểm, chính sách của Tổng thống và đặc biệt tiên phong truyền bá chủ trương “Nước Mỹ trên hết” không có nghĩa “nước Mỹ một mình”, mặc dù trước đó nhà ngoại giao này chỉ trích đường lối của ông Trump.

Vì vậy, ngay cả các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cũng không hiểu vì sao bà Haley lại từ chức, chuyện gì đang xảy ra, lý do thực sự là gì. Nguyên nhân vẫn là điều bí ẩn, không như những lần các quan chức khác của ông Trump rời nhiệm sở.

Có những đồn đoán rằng, bà Haley sẽ tranh cử tổng thống vào năm 2020 và đối đầu với ông Trump. Tuy nhiên, tại Phòng Bầu dục ngày 9-10, bà Haley khẳng định sẽ tham gia chiến dịch ủng hộ ông Trump, nhưng có thể chạy đua chống lại Phó Tổng thống Mike Pence trong cuộc bầu cử năm 2024. Bà Haley cũng được ví là một Condoleezza Rice (cựu Ngoại trưởng Mỹ, người từng được đồn đoán là ứng viên của đảng Cộng hòa tiềm năng cho chiếc ghế Phó Tổng thống) thứ hai trên chính trường.

Báo New York Times cho hay, một giả thuyết khác là bà Haley cảm thấy bị lép vế trước các “ngôi sao” khác như Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo - những người có quan điểm cứng rắn hơn trong chính sách đối ngoại. CNN cho rằng, ông Bolton và ông Pompeo là những “ngôi sao mới” trong chính phủ Mỹ, chứ không phải bà Haley.

Giới chuyên gia cũng dự đoán bà Haley có thể làm thượng nghị sĩ Nam Carolina thay thế ông Lindsey Graham. Chưa rõ nhà ngoại giao gốc Ấn Độ này sẽ tham gia lĩnh vực nào sau khi rời chính phủ nhưng quyết định từ chức của bà là một tín hiệu nữa cho thấy “sự hỗn loạn chính sách đối ngoại của Nhà Trắng”, như nhận định của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Robert Menendez.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.