Cấu trúc an ninh toàn cầu sẽ ra sao?

Năm 2018 đánh dấu việc các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, nâng cao vị thế, bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo ra cân bằng mới trong cán cân quyền lực các khu vực và toàn thế giới… Những động thái này tác động sâu sắc đến sự thay đổi cấu trúc an ninh toàn cầu.

Một là, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng rời bỏ nhiều thỏa thuận đa phương như: Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris; Thỏa thuận hạt nhân Iran - Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc; Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)… vốn được hình thành trong nhiều thập niên qua.

Hai là, sau 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với sức mạnh đó, Trung Quốc đặt ra hai tham vọng lớn: vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số một bằng việc thực hiện kế hoạch “Made in China 2025” và sáng kiến “Vành đai, con đường”; gia tăng tham vọng chủ quyền trên biển, nhất là trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, tăng cường sự hiện diện quân đội ở nhiều nước…

Ba là, Nga muốn trở thành cường quốc có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế, kể cả vấn đề hạt nhân, làm đối trọng để kiềm chế tham vọng của phương Tây như: tham chiến ở Syria chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); hình thành các tuyến năng lượng mới như “Dòng chảy phương Bắc 2” để cung cấp cho châu Âu...

Ba nhân tố nói trên làm thay đổi cấu trúc an ninh toàn cầu, nhất là trong hai lĩnh vực kinh tế và an ninh như sau:

Về kinh tế, Mỹ coi lợi ích của mình trên hết và không chấp nhận bất cứ nước nào vượt mặt nên đã nhắm vào Trung Quốc để gây cuộc chiến thương mại chưa từng có. Hiện nay, hai bên tạm hòa hoãn để hóa giải các vấn đề gai góc, nhưng hóa giải được hay không là câu chuyện còn xa.

Đối với Nga, Mỹ và các đồng minh dùng con bài “trừng phạt” nhằm làm nền kinh tế của “chú gấu” không có cơ hội phát triển cũng như khiến đời sống người dân Nga khó khăn. Nhưng biện pháp này chưa thể đẩy Nga vào đường cùng. Tổng thống Vladimir Putin cho hay, các biện pháp trừng phạt không logic, mà đơn giản là biện pháp bổ sung nhằm kiềm chế nước Nga, nhưng nền kinh tế Nga đã thích nghi với mọi biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, phương Tây đã đánh mất thị trường Nga rộng lớn, số lượng việc làm sụt giảm…

Về an ninh, Mỹ - Nga - Trung đang làm thay đổi những cấu trúc vốn được định hình, tạo ra những nguy cơ mới nguy hiểm.

Từ diễn biến thực tế, có mấy điểm đáng chú ý:

Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi INF đặt thế giới trước nguy cơ rất cao chạy đua vũ trang và chiến tranh hạt nhân như thời Chiến tranh Lạnh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Washington và các đồng minh không sẵn sàng thích nghi với thực tế toàn cầu, vốn thay đổi theo hướng bất lợi cho họ... Tập trung vào xung đột với việc sử dụng vũ lực chắc chắn sẽ dẫn tới sự xuống dốc trầm trọng của cấu trúc an ninh toàn cầu và khuyến khích chạy đua vũ trang. Nhiều khả năng tình huống như vậy sẽ nảy sinh, cái giá cho sai lầm hoặc hiểu lầm sẽ rất cao”.

Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh cũng coi Nga là nhân tố gây bất ổn cho châu Âu nên đã có hàng loạt động thái khác như: gia tăng sự hiện diện quân đội và các loại vũ khí gần biên giới Nga, thông qua các nước đồng minh láng giềng để gây hấn, kiềm tỏa ảnh hưởng của Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria...

Đối với Trung Quốc, khi thúc đẩy tham vọng chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Bắc Kinh vấp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế. Mỹ triển khai chiến lược lớn, trên phạm vi rộng, bao phủ từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương; cùng với đó là tập hợp lực lượng mới, nòng cốt là “tứ giác kim cương” Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc. Đồng thời, Mỹ gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông bằng việc tổ chức nhiều đợt tuần tra hàng hải.

Có thể nói, những yếu tố an ninh của năm qua có thể làm gia tăng bất ổn toàn cầu trong năm 2019, đồng thời phản ánh quá trình chuyển đổi trật thế giới “đa cực, đa trung tâm” từ định hướng sang định hình.

Tuy nhiên, những động thái chiến lược có tính “đột phá” diễn ra ở 3 trung tâm quyền lực của thế giới hiện nay là Mỹ, Nga và Trung Quốc đang thể hiện dòng “xoáy ngược” (chống vũ khí hạt nhân, chống toàn cầu hóa và bảo hộ mậu dịch…), khiến bức tranh an ninh toàn cầu tiếp tục ảm đạm với nhiều biến số khó lường không chỉ trong năm 2019.

TUYẾT MINH
 

;
;
.
.
.
.
.