Lo Nga sắp đẩy mạnh chiến dịch, Ukraine hối thúc viện trợ

.

Những ngày qua, một số nước, dẫn đầu là Mỹ, Đức và Anh, cam kết gửi xe tăng cho Ukraine. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây, trong đó có New York Times, nêu vấn đề: liệu những chiếc xe tăng mới có được chuyển kịp tới Kiev để sử dụng khi mà giới quan sát phương Tây gần như tin chắc Nga sẽ triển khai đợt tấn công lớn ngay trong đầu tháng này.

Các quan chức Ukraine nói các chiến đấu cơ F-16 (trong hình) sẽ giúp họ duy trì lợi thế quan trọng trong cuộc đối đầu trên không. Ảnh: U.S. Air Force
Các quan chức Ukraine nói các chiến đấu cơ F-16 (trong hình) sẽ giúp họ duy trì lợi thế quan trọng trong cuộc đối đầu trên không. Ảnh: U.S. Air Force

Từ “cho” đến “nhận”

Trong những ngày qua, Nga đã giành được một số thắng lợi ở khu vực quanh thành phố Bakhmut phía đông Ukraine. Giới quan sát cho rằng, cả Ukraine và Nga đều đã tận dụng khoảng thời gian trong mùa đông để huấn luyện binh sĩ, tái thiết các đơn vị chiến đấu và chuẩn bị cho các chiến dịch lớn trong mùa xuân năm nay. Và khi cuộc xung đột sắp tròn một năm kể từ khi bùng nổ, truyền thông phương Tây cho rằng Moscow sẽ mở một chiến dịch lớn.

Gần đây, Mỹ, Đức và Anh đã công bố sẽ chuyển nhiều vũ khí mới cho Ukraine. Ngày 30-1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thuyết phục Hàn Quốc thay đổi chính sách để hỗ trợ vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, vấn đề phương Tây lo ngại hiện nay là liệu những vũ khí được hứa cấp cho Ukraine đó có được kịp mang tới sử dụng khi Moscow triển khai đợt tấn công mới. Ví dụ mà New York Times chỉ ra là loạt 14 xe tăng Challenger 2s đầu tiên mà chính phủ Anh hứa gửi cho Ukraine hồi đầu tháng 1-2023 nhưng theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ít nhất phải tới cuối mùa xuân mới đến được bên nhận, tức là phải vào khoảng dịp lễ Phục sinh (ngày 9-4) hoặc sang tháng 5-2023.

Trong khi đó các quan chức của Đức và Mỹ cũng áng chừng phải mất nhiều tháng nữa xe tăng của họ mới đến được Kiev. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói phải mất 4 tháng để 14 chiếc Leopard 2 của họ có thể đưa vào sử dụng tại Ukraine. Trong khi đó người phát ngôn của Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh tuần trước nói sẽ mất nhiều tháng để Mỹ đưa được 31 chiếc M1 Abrams tới Ukraine, một số chuyên gia quân sự thậm chí ước tính có thể mất tới 1 năm hoặc lâu hơn.

Thực tế cho thấy tiến độ gửi xe tăng và các vũ khí khác tới Ukraine sẽ tùy thuộc vào hai yếu tố chính là thời gian huấn luyện sử dụng và khâu logistics liên quan.

Trước những động thái của phương Tây, ngày 30-1, Điện Kremlin phát cảnh báo việc phương Tây cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm leo thang nghiêm trọng xung đột. “Đây là tình huống bế tắc: nó có khả năng dẫn tới sự leo thang nghiêm trọng khi các nước NATO sẽ can thiệp ngày càng trực tiếp hơn vào xung đột - nhưng nó không thể thay đổi chiều hướng của các sự kiện và sẽ không làm được điều đó”, ông Dimitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin nói.

Khác biệt về lập trường

Tuy nhiên, bên cạnh những tiếng nói ủng hộ, mong muốn được tiếp thêm vũ khí của Kiev cũng đã gặp những “làn gió ngược”. Ngày 30-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden bác khả năng gửi thêm máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên ông Biden công khai quan điểm về vấn đề, song chưa rõ ông có đổi ý hay không. Financial Times dẫn ý kiến nhiều quan chức Ukraine cho rằng nếu có được các F-16, Kiev có thể duy trì lợi thế trọng yếu trên không. Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó cũng đã bác khả năng gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Trong khi đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Scholz, lãnh đạo của các nước Argentina, Chile và Brazil cũng đều nhấn mạnh họ muốn giải pháp hòa bình cho xung đột và không mặn mà với việc ủng hộ vũ khí cho Ukraine. “Argentina và châu Mỹ Latin không có kế hoạch gửi vũ khí cho Ukraine hay cho bất cứ khu vực xung đột nào khác”, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez nói trong cuộc họp báo cùng ông Scholz tại thủ đô Buenos Aires ngày 28-1. Tương tự, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói rõ: “Brazil không quan tâm tới việc chuyển tiếp đạn dược để dùng trong chiến tranh”. Tổng thống Chile Gabriel Boric khẳng định nước này chỉ cam kết hỗ trợ Ukraine tái thiết sau khi xung đột kết thúc, như sẽ giúp dọn dẹp các bãi mìn.

Nga tố Mỹ phát triển vũ khí sinh học tại Ukraine

Ngày 30-1, Bộ Quốc phòng Nga cung cấp thêm chứng cứ cho thấy các phòng thí nghiệm sinh học hoạt động bằng ngân sách của Mỹ đang tồn tại ở Ukraine. Theo Russia Today, hơn 20.000 tài liệu và hiện vật do quân đội Nga thu thập được cho thấy các hãng dược phương Tây đã tiến hành các nghiên cứu về HIV/AIDS trên quân nhân Ukraine. Chỉ huy Lực lượng phòng thủ hạt nhân, sinh học và hóa học của Nga, Trung tướng Igor Kirillov, đã trình bày các tài liệu bằng tiếng Ukraine bắt đầu từ năm 2019 liên quan những nghiên cứu về lây nhiễm HIV.

Theo đó, các tài liệu và hiện vật đã “khẳng định sự tập trung của Lầu Năm Góc trong việc tạo ra các hợp phần của vũ khí sinh học và thử nghiệm chúng trên người dân Ukraine và các nước khác nằm dọc theo biên giới với Nga”. Ông Kirillov cho biết, các hoạt động tích cực của Bộ Quốc phòng Nga đã cản trở việc Washington thực hiện các chương trình quân sự-sinh học trên đất Ukraine.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.