Tìm "chìa khóa" xác định nguyên nhân tàu Titan phát nổ?

.

Gần một tuần sau khi chiến dịch cứu hộ tàu lặn du lịch Titan kết thúc, lực lượng chức năng đã trục vớt những phần còn lại của con tàu, trong đó có cả những mảnh thi thể của 5 người xấu số. Việc thu thập các mảnh vỡ thực sự quan trọng giúp các nhà điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến vụ nổ thảm khốc do tàu Titan không có “hộp đen” như máy bay.

Mảnh vỡ từ tàu ngầm du lịch Titan được bốc dỡ từ tàu Horizon Arctic tại cảng  biển của Tuần duyên Canada ở thành phố St. John ngày 28-6. Ảnh: AP
Mảnh vỡ từ tàu ngầm du lịch Titan được bốc dỡ từ tàu Horizon Arctic tại cảng biển của Tuần duyên Canada ở thành phố St. John ngày 28-6. Ảnh: AP

Chờ thông tin từ những mảnh vỡ

Theo New York Times, tại bến cảng của Lực lượng tuần duyên Canada tại St. John (Canada), các thủy thủ bốc dỡ những gì trục vớt được từ hiện trường vụ tai nạn dưới đáy biển, trong đó có phần thân tàu dài 6,70m. Toàn bộ hiện vật này sẽ được đưa về cảng biển của Mỹ để Cơ quan điều tra hàng hải tiếp tục phân tích. Thông báo của Tuần duyên Mỹ cho biết, các chuyên gia y tế Mỹ cũng sẽ đánh giá phân tích các phần thi thể nạn nhân.

Tối 28-6, Cơ quan an toàn giao thông vận tải Canada thông báo đã hoàn tất các điều tra sơ bộ và những tài liệu liên quan tới vụ nổ của tàu lặn. Thiết bị ghi lại dữ liệu âm thanh bên trong tàu Titan đã được gửi tới phòng nghiên cứu của công ty Polar Prince (đơn vị sản xuất thiết bị này) ở Ottawa để phân tích. “Các chứng cứ sẽ giúp các nhà điều tra quốc tế có cái nhìn sâu hơn về nguyên nhân của thảm kịch”, Chủ tịch Ủy ban điều tra hàng hải, ông Jason Neubauer, nói; đồng thời nhấn mạnh còn rất nhiều việc phải làm trước khi có thể hiểu được đâu là yếu tố chính đã dẫn tới kết cục bi thảm của tàu Titan, từ đó phần nào giúp ngăn chặn tái diễn thảm kịch này.

Điều tra ở cấp độ cao nhất

Ông J. Carl Hartsfield, chuyên gia thiết kế phương tiện dưới nước tại Viện hải dương học Woods Hole, cho rằng, những mảnh vỡ có thể chứa thông tin rất quan trọng cho biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với tàu Titan. Theo đó, các nhà điều tra sẽ phải làm sáng tỏ 3 điều: liệu có điểm nào đó bị hỏng hóc trên thân tàu hay không; các mảnh sợi carbon và titanium (những vật liệu làm tàu ngầm) được kết nối với nhau như thế nào; và liệu có thể khôi phục dữ liệu điện tử nào của tàu hay không.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, nhiệm vụ của các nhà điều tra trong vụ việc này sẽ không đơn giản như kiểm tra hộp đen của máy bay hay con tàu bị nạn. Có khả năng rất lớn là chiếc tàu ngầm du lịch bị nạn không có một thiết bị ghi lại dữ liệu của vụ thảm họa. Dù vậy, ông Hartsfield đề cập khả năng dữ liệu của tàu có thể được lưu lại ở những nơi khác, chẳng hạn các ổ cứng, các hình ảnh video trên thiết bị sonar và thậm chí có thể là các camera trên tàu. Tất cả những dữ liệu này, nếu có thể phục hồi sẽ góp phần đáng kể giúp các nhà điều tra “vẽ lại” thảm kịch.

Hiện, Lực lượng tuần duyên Mỹ phụ trách cuộc điều tra để làm sáng tỏ vì sao tàu ngầm du lịch này phát nổ. Cơ quan này đã triệu tập và thành lập ủy ban điều tra hàng hải, mức độ điều tra cao nhất của Tuần duyên Mỹ. Ủy ban này sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác trong và ngoài nước, trong đó có Canada, Anh và Pháp. Ông Hartsfield tham gia cố vấn trong quá trình tìm kiếm tàu Titan nhưng không phải là thành viên tham gia cứu hộ. Từ kinh nghiệm bản thân, chuyên gia này cho rằng, cuộc điều tra có thể mất từ 18-24 tháng. “Nghe vậy thì có vẻ là dài nhưng có rất nhiều việc phải làm”, ông nói.

​​​​​TRẦN ĐẮC LUÂN

Vì sao tàu Titanic không nổ tung như tàu Titan dù cùng chịu áp lực nước cao dưới biển?

Sau vụ tàu lặn Titan phát nổ, một người dẫn chương trình phát thanh The Jesse Kelly show đăng tải dòng tweet: “Nếu áp lực nước cao đến mức có thể nghiền nát một chiếc tàu lặn như Titan, vậy thì tại sao con tàu Titanic có thể “ngủ im” dưới đáy biển 111 năm qua trong tình trạng còn tương đối nguyên vẹn?”. Nhiều người cũng có thắc mắc tương tự.

Về vụ việc này, GS. Arun Bansil tại Đại học Northeastern (Mỹ), giải thích: “Khi một chiếc tàu lặn ở sâu trong đại dương, nó sẽ chịu lực tác động lên bề mặt do áp suất nước. Khi lực này lớn hơn lực mà thân tàu có thể chịu được, con tàu sẽ nổ tung dữ dội. Đây là kết quả của sự chênh lệch áp suất giữa áp suất bên trong và bên ngoài”. Vậy tại sao tàu Titanic thì không nổ? Chuyên gia này cho biết, các phần của tàu Titanic như đuôi tàu chẳng hạn, có khả năng đã nổ ở độ sâu khoảng 60m dưới mặt nước.

Tuy nhiên, cũng có những phần khác không nổ, vì lúc đó không khí đã thoát ra từ bên trong tàu, khiến áp suất bên ngoài và bên trong tàu bằng nhau. Theo giới chuyên gia, tàu Titanic có thể “bị giải thể” vào năm 2030 do một sinh vật gọi là vi khuẩn extremophile đang phá hủy những gì còn sót lại của Titanic. T.LÊ

 

;
;
.
.
.
.
.