Nền tảng để dẫn dắt hòa đàm trực tiếp Nga-Ukraine

.

Dù hội nghị hòa bình Ukraine ở Jeddah (Saudi Arabia) cuối tuần qua không đạt bước đột phá như dự đoán nhưng việc quy tụ hầu hết các cường quốc, cũng như các nước đang phát triển hàng đầu, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực chấm dứt xung đột vốn đang leo thang. Bên cạnh đó, nỗ lực của các nước Trung Đông như nước chủ nhà Saudi Arabia trong tiến trình tìm kiếm hòa bình cũng là chỉ dấu đáng chú ý cho thấy vai trò của các cường quốc khu vực tầm trung đối với các vấn đề “nóng” toàn cầu.

Thái tử Saudi Arabia Salman (bên trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky ở Jeddah ngày 19-5. (Nguồn: Anadolu)
Thái tử Saudi Arabia Salman (bên trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky ở Jeddah ngày 19-5. (Nguồn: Anadolu)

Hội nghị có sự tham dự của các đại diện đến từ khoảng 40 nước, trong đó đa số đến từ “Nam bán cầu”, chẳng hạn như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), cùng với Mỹ và Canada. Đáng tiếc, Nga không tham dự song Điện Kremlin vẫn theo dõi các cuộc thảo luận.

Các điểm đồng thuận trọng tâm

Đúng như dự đoán, hội nghị hòa bình kết thúc mà không có tuyên bố cuối cùng nào được đưa ra, tương tự như cuộc họp trước đó ở Copenhagen (Đan Mạch). Kết quả này phản ánh thực tế rõ ràng: với sự vắng mặt của Nga thì khó mà đạt bước tiến triển đáng kể trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Le Monde vẫn chỉ ra điểm sáng tích cực của hội nghị lần này chính là việc thông qua thỏa thuận về những điểm then chốt, trong đó nêu rõ “bất cứ giải pháp hòa bình nào” cũng phải xác định “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” là trọng tâm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tích cực tham gia hội nghị ở Jeddah và lạc quan về khả năng có thêm một cuộc họp ý nghĩa như vậy. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi sự tham gia đặc phái viên của Trung Quốc phụ trách các vấn đề Á - Âu Lý Huy tại hội nghị cũng là “bước đột phá đáng kể” bởi trước đó Trung Quốc từ chối tham gia đàm phán ở Đan Mạch - thành viên của NATO.

Các nhà phân tích cho biết, quyết định của Trung Quốc tham gia cuộc gặp quốc tế tại Saudi Arabia phần nào báo hiệu những thay đổi có thể xảy ra trong cách tiếp cận của Bắc Kinh về vấn đề Ukraine. Ông Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, tổ chức tư vấn chiến lược ở Washington (Mỹ) cho rằng: “Bắc Kinh sẽ không muốn vắng mặt trong các sáng kiến ​​hòa bình đáng tin cậy khác được dẫn dắt bởi các quốc gia không phải phương Tây”.

Phát biểu với Bild am Sonntag ngày 5-8, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và một vài nước khác tham dự cuộc họp lần trước ở Đan Mạch đã đặt nền móng cho hội nghị ở Jeddah. Theo đó, mỗi bước tiến nhỏ đều mang lại một chút hy vọng về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine. Tương tự, dư luận Trung Đông cũng đồng tình khi cho rằng, dù không ra tuyên bố chung nhưng hội nghị có thể mở ra nền tảng nào đó để dẫn dắt cho các cuộc thảo luận hòa bình trực tiếp giữa Ukraine và Nga trong tương lai.

Thông điệp từ Saudi Arabia

Theo Politico, Saudi Arabia, nước trung lập có mối quan hệ tốt với Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, đang tranh thủ tận dụng việc tổ hội nghị toàn cầu lần này là cơ hội để thể hiện vai trò nhà môi giới hòa bình mới, giống như những gì mà châu Phi, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện. Một số nhà quan sát vẫn gọi là những cường quốc bậc trung trên trường quốc tế như Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia trong các vấn đề toàn cầu sẽ cần được ghi nhận như hiện tượng chưa từng thấy trước đây. Hai nước này gần đây đã là đóng vai trò chính trong việc trung gian để Nga và Ukraine quyết định trao trả tù binh cho nhau, trong đó có cả công dân Mỹ.

Thep AP, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang rất tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới nước này trong tháng 8-2023 vốn được kỳ vọng là bước tiếp nối đáng chú ý để những nhà trung gian hòa giải Trung Đông có thể tiếp tục phát huy vai trò hòa giải tích cực. Rõ ràng, việc thuyết phục cả Nga và Ukraine cùng ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp là bài toàn hóc búa đối với các nhà môi giới hòa bình như Saudi Arabia bởi chiến sự không chỉ là việc của riêng hai quốc gia, mà còn gắn với những lợi ích chiến lược của nhiều cường quốc mà đến nay vẫn chưa bên nào chịu nhượng bộ. Theo giới quan sát, các nước đóng vai trò trung gian cần sẽ phải thuyết phục phương Tây, đặc biệt Mỹ, trước tiên phải đảo ngược thái độ thù địch lâu nay đối với Nga nếu muốn Moscow bước vào tiến trình hòa đàm.      

Biển Đen tiếp tục “dậy sóng”
Theo Reuters, một chiếc xuồng không người lái của Ukraine chở đầy chất nổ đã tấn công tàu chở dầu Sig của Nga vào cuối ngày 4-8 (giờ địa phương), gần cầu Kerch nối bán đảo Crimea với lục địa Nga. Đây là vụ tấn công thứ hai trong vòng 24 giờ. Trong động thái đáp trả, ngày 5-8, Nga tuyên bố sẽ trừng phạt Ukraine vì vụ tấn công tàu chở dầu dân sự của Nga. Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là “hành động khủng bố” đe dọa tính mạng của thủy thủ đoàn trên một con tàu dân sự và có nguy cơ gây ra thảm họa môi trường quy mô lớn. “Chính quyền Ukraine đang tích cực áp dụng các phương pháp khủng bố mới, lần này là ở Biển Đen”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.