Sôi động chuyển dịch năng lượng sạch ở Đông Nam Á

.

Một loạt thỏa thuận năng lượng tái tạo giữa các nước láng giềng được ký kết, triển khai trên toàn khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh khu vực này nỗ lực chuyển dịch năng lượng, dần bớt lệ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Trang trại điện gió ở Indonesia. Ảnh: MediaCorp
Trang trại điện gió ở Indonesia. Ảnh: MediaCorp

Nhu cầu năng lượng của ASEAN tăng hơn 80% trong giai đoạn 2000-2019, theo báo cáo đánh giá về tình hình chuyển dịch năng lượng ở khu vực năm 2021 của Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN. Đến năm 2040, nhu cầu đó sẽ tăng thêm 60%, tương ứng với mức tăng 12% chung của toàn cầu về sử dụng năng lượng. Trong bối cảnh đó, Singapore - quốc đảo có nhu cầu điện rất lớn, đang trở thành động lực cho công cuộc chuyển dịch năng lượng tại Đông Nam Á khi đã và đang ký kết rất nhiều hợp đồng mua điện “sạch” từ các nước lân cận.

Động lực mang tên Singapore

Theo Nikkei, tại Singapore, khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 95% tổng các nguồn năng lượng sử dụng. Theo ước tính, đến năm 2035 “quốc đảo sư tử” sẽ nhập khẩu khoảng 5 gigawatt (GW) điện carbon thấp, tương đương 30% tổng nguồn cung điện của nước này. Kế hoạch tham vọng này đã mở ra cơ hội cho các nước láng giềng vốn đang triển khai chiến lược mở rộng ngành công nghiệp sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Lào.

Bắt đầu từ năm ngoái, Singapore khởi động kế hoạch đáng chú ý nói trên bằng việc mua thủy điện từ Lào thông qua Thái Lan và Malaysia với tổng cộng 100 MW trong hai năm. Singapore cũng phê chuẩn các kế hoạch mua thêm 2 GW từ 5 dự án điện mặt trời ở Indonesia, đồng thời thu hút điện từ các trang trại điện mặt trời nổi ở ngoài khơi của Indonesia.

Tháng 3-2023, Công ty Keppel Infrastructure Holdings (Singapore) ký thỏa thuận mua 1 GW điện tái tạo từ Công ty Royal Group có trụ sở tại Campuchia thông qua hệ thống cáp ngầm xuyên biển dài hơn 1.000km. Bà Cindy Lim, CEO Keppel Infrastructure Holdings, nhận định, dự án mua điện tham vọng của Singapore sẽ “kích hoạt mạng lưới điện khu vực và đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng sạch tại Đông Nam Á”.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, vào năm 2030, Đông Nam Á sẽ tạo ra hơn 40% trong tổng lượng điện của khu vực từ các nguồn năng lượng tái tạo, và tới năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên 95% từ các nguồn điện tái tạo và ammonia (NH3) nếu các nước trong khu vực cùng đạt mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris. Để đạt được điều đó, năng lực sản xuất điện tái tạo cần phải tăng trưởng ở mức khoảng 10% /năm, căn cứ vào nhu cầu tăng do phát triển kinh tế.

“An ninh năng lượng tập thể”

Nhu cầu điện của Singapore rõ ràng là cơ hội cho các nước khác có tiềm lực sản xuất điện trong khu vực. Tại Lào, khoảng 70% lượng điện sản xuất được là thủy điện, nhờ vào lợi thế của dòng Mekong. Khoảng 80% lượng điện Lào sản xuất đang được bán cho Thái Lan và Việt Nam, chiếm khoảng 30% trong giá trị xuất khẩu của họ. Năm 2022, Lào bắt đầu bán điện cho Singapore và trong năm nay quốc gia này cũng đã xây hạ tầng truyền tải để có thể bán điện cho Campuchia.

G.S Hiroshi Takahashi, chuyên ngành về năng lượng tái tạo tại Đại học Hosei (Nhật Bản) cho rằng, việc xây dựng mạng lưới điện xuyên biên giới là dạng thức của “an ninh năng lượng tập thể”. Chuyên gia này cũng cho rằng ASEAN là khu vực phù hợp để thực hiện dự án như thế này. Nhóm 10 quốc gia thành viên của khối vốn đã có những kết nối trong hoạt động kinh tế nên đã có nền tảng để xây dựng thêm sự kết nối về năng lượng. Dù vậy, việc mạng lưới điện sạch của khu vực như vậy có thể thực sự được hoàn thành và tạo ra “tấm lưới” an ninh năng lượng cho các nước hay không thì vẫn còn là vấn đề cần chờ thêm thời gian, bởi liên quan tới nó vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết như cơ chế, chính sách cho việc cấp phép, triển khai đầu tư các dự án điện tái tạo tại nhiều nước trong khu vực.

Thời gian qua, sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, giá dầu thế giới tăng cao và liên tục có những biến động khó lường. Thực tế này cho thấy rõ hơn những hệ lụy từ việc lệ thuộc nhiều vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Việc phát triển các thỏa thuận mua bán năng lượng sạch giữa các nước ở Đông Nam Á cho thấy xu hướng mới nổi lên khi các nước muốn tìm kiếm một nguồn năng lượng bền vững, có tính ổn định cao, có thêm lựa chọn khi phải đối mặt với các khủng hoảng và rủi ro địa chính trị.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.