Giải Nobel văn học 2023: Cuộc khám phá siêu việt về thân phận con người

.

Ngày 5-10, chủ nhân giải Nobel Văn học 2023 xướng tên nhà văn Na Uy Jon Fosse (64 tuổi), bậc thầy văn học Bắc Âu, như sự tưởng thưởng xứng đáng về “những vở kịch và áng văn xuôi sáng tạo lên tiếng cho những điều không thể nói ra, không khác gì những cuộc khám phá siêu việt về thế giới nội tâm con người thông qua ngôn ngữ im lặng”. (silent language).

Nhà văn Na Uy Jon Fosse.  Ảnh: AP
Nhà văn Na Uy Jon Fosse. Ảnh: AP

Giải thưởng danh giá này do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng, vinh danh toàn bộ tác phẩm của nhà văn này chứ không phải một tác phẩm riêng lẻ nào. Chiến thắng của ông Fosse khá bất ngờ bởi trước buổi công bố kết quả, ông chỉ xếp thứ hai trong danh sách đặt cược của nhà cái NicerOdds, sau ứng viên Trung Quốc Đặng Tiểu Hoa (bút danh Tàn Tuyết).

Khi ngôn ngữ “im lặng” lên tiếng

Ủy ban trao giải Nobel Văn học 2023 ca ngợi phong cách “Chủ nghĩa tối giản Fosse” của tác giả người Na Uy, được dệt nên bằng thứ văn xuôi chậm rãi, nhưng du dương và đầy thôi miên. “Tác phẩm đồ sộ của ông viết bằng tiếng Na Uy và trải dài trên nhiều thể loại, bao gồm vô số vở kịch, tiểu thuyết, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và các bản dịch. Ngày nay, ông là một trong những nhà viết kịch có tác phẩm được biểu diễn rộng rãi nhất trên thế giới, ông cũng ngày càng được công nhận trong lĩnh vực văn xuôi”, Ủy ban Nobel Văn học nhận xét.

Giới phê bình ca ngợi những “đứa con tinh thần” của Fosse là cuộc khám phá siêu việt về thân phận con người. Các kiệt tác để đời ấn tượng nhất làm nên cốt cách văn chương độc đáo này phải kể đến ‘Septology’ gồm ba cuốn sách được hoàn thành vào năm 2021. Trong đó, cuốn “A New Name: Septology VI-VII” là mảnh ghép đặc sắc cuối cùng trong loạt truyện kể về cuộc đời Asle, người họa sĩ già sống bên bờ đại dương trong những năm tháng cuối đời vô cùng thoải mái cùng những người bạn thân. Thế nhưng trong người đàn ông này cũng tồn tại bóng dáng một người khác, cùng là họa sĩ nhưng lại rơi vào trạng thái cô đơn và nghiện rượu. Hai người là song trùng của nhau và cùng trải nghiệm những câu hỏi hiện sinh về cuộc sống này. The Guardians dẫn lời nhà phê bình văn học Catherine Taylor nói: “Đọc tác phẩm của Jon Fosse là trải nghiệm sâu sắc, mang tính tâm linh sâu sắc, chứ không phải nói là tôn giáo”. Trên Twitter, Ủy ban Nobel cũng ca ngợi các tiểu thuyết mang đậm phong cách “chủ nghĩa tối giản Fosse”. Điều này có thể thấy rõ trong cuốn Stengd gitar (1985), tác giả khai thác góc khuất từ những tình huống hằng ngày trong cuộc sống, khi con người đứng trước sự lưỡng lự, chọn lựa khó khăn. Chính Fosse cũng làm rõ phong cách văn chương của mình khi tiết lộ: “Khi tôi viết luôn có ngôn ngữ thứ hai xuất hiện: ngôn ngữ im lặng. Ngôn ngữ này nói lên tất cả những gì cần nói. Đó không phải là câu chuyện viết ra bằng chữ nhưng bạn có thể nghe thấy điều gì đó đằng sau nó”.

Phát huy giá trị “tiếng Na Uy mới”

Theo AP, ông Fosse là nhà viết kịch, tiểu thuyết, thơ hàng đầu Na Uy, từng đoạt giải văn học của Hội đồng Bắc Âu và giải thưởng quốc tế Ibsen, tương tự giải Nobel trong sân khấu. Các cuốn tiểu thuyết của Fosse đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ. Ông là tác giả của những vở kịch được dàn dựng rộng rãi nhất so với bất kỳ nhà viết kịch đương đại nào ở châu Âu. Daily Telegraph ca ngợi ông là “thiên tài sống”. Ngoài hơn 20 vở kịch, nhà văn này còn xuất bản tiểu thuyết, tiểu luận, tuyển tập thơ và một loạt sách thiếu nhi trong khoảng 4 thập niên.

Đáng chú ý, Fosse viết các tác phẩm của mình bằng thứ tiếng ít phổ biến nhất trong hai phiên bản chính thức của tiếng Na Uy. Ông coi giải thưởng như sự công nhận đối với ngôn ngữ này và phong trào quảng bá nó, và điều thú vị ở chỗ cuối cùng ông giành giải thưởng Nobel nhờ chính ngôn ngữ này. Được gọi là “tiếng Na Uy mới” (Nynorsk) và chỉ được khoảng 10% dân số cả nước sử dụng, phiên bản ngôn ngữ này được Ivar Aasen sáng tạo vào giữa thế kỷ 19 với các phương ngữ nông thôn làm nền tảng, nhằm giúp có thêm lựa chọn khi tiếng Đan Mạch đang phổ biến ở Na Uy thời đó. Thực tế, hiện nay không có tiếng Na Uy chuẩn, người Na Uy sử dụng rất nhiều phương ngữ ngay trong chương trình phát thanh- truyền hình, truyền thông công cộng. Có thể nói, Fosse đã kết hợp giữa ngôn ngữ và nền tảng Na Uy trong con người ông với các kỹ thuật nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại.

Theo NYT, Fosse là nhà văn Na Uy thứ tư đoạt giải Nobel nhưng là nhà văn đầu tiên trong gần một thế kỷ, sau Bjornstjerne Bjornson (năm 1903), Knut Hamsun (năm 1920) và Sigrid Undset (năm 1928). Mỗi năm, các nhà xuất bản, tác giả, và độc giả đều háo hức đợi sự kiện công bố giải Nobel văn chương, không chỉ vì niềm đam mê văn học. Một chiến thắng gần như luôn chắc chắn sẽ dẫn tới giúp tăng mạnh lượng sách bán ra của người giành giải.

Giải Nobel Văn học ngày càng thể hiện tinh thần của nền văn học thế giới đúng nghĩa, với các quốc tịch và xuất thân người nhận giải đa dạng hơn, gồm không ít tác giả là người di cư. Từ trước đến nay, những người được nhắm cho giải này thường rất khó đoán. Ủy ban Nobel từng “đãi cát tìm vàng” để tìm ra những tên tuổi không quá nổi tiếng nhưng có chất lượng cao. Kể từ năm 1901, có 116 giải Nobel Văn học đã được trao, trong đó có 4 giải thưởng văn học đã được chia cho 2 người. Đến nay, có 17 phụ nữ được trao giải thưởng này. Người đoạt giải Nobel Văn học trẻ nhất là Rudyard Kipling, tác giả cuốn sách The Jungle Book, nhận giải Nobel Văn học năm 1907 khi 41 tuổi. Người lớn tuổi nhất đoạt giải Nobel Văn học là Doris Lessing khi nhận giải lúc 88 tuổi năm 2007.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.