Khủng hoảng đan xen phủ bóng kinh tế toàn cầu

.

Hội nghị thường niên mùa thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023 tại Maroc đang thu hút sự quan tâm đặc biệt vào thời điểm hàng loạt khủng hoảng đan xen, mới nhất là xung đột nghiêm trọng ở Trung Đông, được ví như hòn đá ngáng đường tiến trình khôi phục kinh tế toàn cầu vốn vẫn còn tranh sáng, tranh tối hậu Covid-19.

Hội nghị thường niên IMF và WB diễn ra từ ngày 9 đến 15-10 tại thành phố Marrakech (Maroc). Ảnh: AFP
Hội nghị thường niên IMF và WB diễn ra từ ngày 9 đến 15-10 tại thành phố Marrakech (Maroc). Ảnh: AFP

Đây là lần đầu tiên hai định chế tài chính hàng đầu thế giới tổ chức sự kiện quan trọng này tại châu Phi sau 50 năm. Việc lựa chọn mảnh đất vốn đang đối mặt loạt thách thức, từ xung đột đến đảo chính quân sự, nghèo đói dai dẳng cho đến thảm họa thiên tai cho thấy ước muốn của IMF và WB về “một nền kinh tế thế giới thịnh vượng trong thế kỷ 21 đòi hỏi một châu Phi thịnh vượng”.

Khủng hoảng chồng chéo 

Giới quan sát chờ đợi tín hiệu tích cực của hội nghị diễn ra từ ngày 9 đến 15-10 khi WB và IMF nỗ lực “cải tổ” sâu rộng và mở rộng quy mô để gieo hạt giống của sự đổi thay mạnh mẽ cho kinh tế toàn cầu, qua đó hoàn thành mục tiêu khí hậu toàn cầu đầy tham vọng. Theo AP, chương trình nghị sự xoay quanh thảo luận tình hình kinh tế thế giới, xu hướng tài chính lớn, khủng hoảng nợ, cải cách hệ thống tài chính quốc tế, trong đó tập trung thảo luận việc tăng cường nguồn lực cho IMF và WB; tranh luận về những vấn đề gai góc, gồm xóa nợ cho các quốc gia nghèo, đề xuất những khoản đóng góp mới từ các nước giàu, cải cách ngân hàng, giải pháp hỗ trợ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Ngày 10-10, WB lo ngại, rạn nứt địa chính trị từ xung đột Israel - Hamas tại “chảo lửa” Trung Đông có thể phủ bóng các cuộc thảo luận về vấn đề nợ, gây trở ngại lớn cho sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Không chỉ tác động an ninh toàn cầu, xung đột này có thể tiếp tục tạo “cơn gió chướng” cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có rủi ro về sự phân mảnh thương mại, đặc biệt có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá cả hàng hóa tăng cao như trong giai đoạn Covid-19. Và hẳn nhiên, một khi lạm phát toàn phần gia tăng tác động dây chuyền đối với chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế đang phát triển cũng là điều không thể tránh khỏi. Trước lo ngại này, WB và các đối tác cam kết tiếp tục hỗ trợ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Bờ Tây và Gaza theo đúng tôn chỉ hành động “xây dựng nền tảng cho tương lai ổn định và bền vững hơn”.

Thực tế, trước thời điểm xung đột nổ ra, dù thế giới có vẻ chưa vượt qua “bóng ma” Covid-19 và vẫn còn đó “những vết thương hở miệng” nhưng kinh tế toàn cầu đã cho thấy sức chịu đựng đáng kinh ngạc, qua đó dấy lên niềm tin về cuộc “hạ cánh mềm” (sự suy giảm tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ nhưng tránh được suy thoái).

Hạ mức dự đoán tăng trưởng toàn cầu

IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 từ mức dự kiến 3% vào năm 2023. Sự giảm tốc này xảy ra vào thời điểm thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Một loạt cú sốc, gồm Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm khoảng 3.700 tỷ USD trong 3 năm qua so với thời điểm trước dịch bệnh. “Kinh tế toàn cầu đang đi khập khiễng chứ không phải chạy nước rút”, chuyên gia kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nhận định. Đáng chú ý, giá dầu nhiều khả năng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới sau mức tăng khoảng 4% trong vài ngày qua. Điều này phản ánh nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến sự gián đoạn trong sản xuất hoặc vận chuyển dầu trong khu vực. Theo IMF, lạm phát toàn cầu chỉ giảm từ 8,7% vào năm 2022 xuống 6,9% vào năm 2023 và 5,8% vào năm 2024. Viễn cảnh giá dầu tăng 10% sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,15% và làm tăng lạm phát toàn cầu thêm 0,4%.

Đáng chú ý, Mỹ là quốc gia nổi bật trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF với mức tăng trưởng trong năm 2023 và 2024 lần lượt tăng 2,1% và 1,5%. Mỹ, nước xuất khẩu năng lượng, không bị tổn thương nhiều như các nước ở châu Âu và các nơi khác do giá dầu tăng cao. Và người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng chi tiêu hơn hầu hết số tiền tiết kiệm mà họ tích lũy được trong thời kỳ Covid-19. Trong khi đó, mọi thứ trở nên ảm đạm hơn ở 20 quốc gia trong khối đồng tiền chung eurozone và phải xoay xở trước giá năng lượng tăng cao.  Mức tăng trưởng của khu vực này dự kiến giảm xuống 0,7% trong năm 2023 và phục hồi lên 1,2% vào năm 2024. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5% trong năm 2023 và 4,2% vào năm 2024.

Một thực trạng khác khiến IMF lo ngại là việc các quốc gia trên thế giới đang chia thành các khối địa chính trị có thể hạn chế thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga và tìm cách trở nên ít phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Năm 2022, các quốc gia đã áp đặt gần 3.000 hạn chế mới đối với thương mại, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Thương mại quốc tế chỉ tăng 0,9% trong năm 2023 và 3,5% vào năm 2024, giảm mạnh so với mức trung bình hàng năm 4,9% trong giai đoạn 2000-2019. 

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.