Thủ tướng tiếp theo của Singapore dần lộ diện

.

Singapore sẽ chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử khi Thủ tướng Lý Hiển Long chuyển giao quyền lãnh đạo cho Phó thủ tướng Lawrence Wong vào cuối năm tới, trước thời điểm tổng tuyển cử.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (bên trái) và Phó Thủ tướng Lawrence Wong tại hội nghị thường niên của PAP vào ngày 5-11.Ảnh: Today Online
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (bên trái) và Phó Thủ tướng Lawrence Wong tại hội nghị thường niên của PAP vào ngày 5-11.Ảnh: Today Online

Tuyên bố nói trên được Thủ tướng Lý Hiển Long (71 tuổi) thông báo tại hội nghị thường niên của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền vào ngày 5-11.

Sự chuyển giao lần thứ ba trong lịch sử

Theo AP, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, ông sẽ bàn giao chức Tổng Thư ký PAP cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (50 tuổi) trước dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đảng này, tức vào ngày 21-11-2024. Việc thông báo thời điểm chuyển giao quyền lực này đồng nghĩa với việc ông Lawrence Wong sẽ dẫn dắt thế hệ lãnh đạo thứ 4 (4G) của đảo quốc sư tử trong chiến dịch tranh cử kế tiếp và tự giành sự ủy thác của cử tri cho chính mình và thế hệ lãnh đạo 4G.

Với việc PAP được kỳ vọng có chiến thắng áp đảo tại cuộc tổng tuyển cử sắp tới, ông Lawrence Wong có thể sẽ trở thành thủ tướng thứ 4 của Singapore. Điểm đáng chú ý nữa là nếu chính trị gia này lên nắm quyền thì đây sẽ là thủ tướng thứ hai không thuộc gia tộc họ Lý kể từ khi Singapore giành độc lập vào năm 1965, sau ông Goh Chok Tong.

Trước đó, ông Lý Hiển Long từng hy vọng chuyển giao quyền lực vào tháng 2-2022 nhưng kế hoạch này bị gác lại do Covid-19 bùng phát tại nước này. Ông từng là người đứng đầu đảng PAP cầm quyền lâu đời và giữ chức thủ tướng từ năm 2004. Năm ngoái, ông đề cử ông Lawrence Wong làm người kế nhiệm nhiệm của mình. “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào ông Lawrence Wong và không có lý do gì để trì hoãn quá trình chuyển đổi lần thứ ba trong lịch sử của đất nước. Tôi sẽ cố gắng hết sức để phục vụ tân thủ tướng và tiếp tục đưa đất nước tiến lên.”, ông Lý Hiển Long nói tại hội nghị đảng gần đây.

Theo Straits Times, ông Lawrence Wong tham gia chính trường vào năm 2011 và đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở một số bộ, trong đó có giáo dục và phát triển quốc gia. Quan chức này nổi lên như sự lựa chọn hàng đầu cho chức thủ tướng vào năm 2022, thời kỳ đỉnh điểm của Covid-19, khi ông giành được sự ủng hộ từ người dân trong quá trình ứng phó dịch bệnh. Ông là đồng trưởng nhóm chuyên trách về Covid-19 của Chính phủ Singapore với các biện pháp, cách xử trí đúng đắn, hiệu quả giúp ngăn chặn lây nhiễm và giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp. Bên cạnh đó, nhóm 4G dưới sự dẫn dắt của ông Lawrence Wong đã hoàn thành rất tốt nhiều nhiệm vụ khó khăn, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến lớn trong công cuộc phát triển đất nước. 

“Tuyên ngôn tranh cử”

Gần đây, Phó Thủ tướng Lawrence Wong trình bày báo cáo dài 180 trang có tên Forward Singapore (Singapore tiến lên), lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới, dưa trên việc lấy ý kiến của công chúng toàn quốc kéo dài 16 tháng, cùng với các cuộc thảo luận với khoảng 200.000 người, trong đó có nhiều quan chức và chuyên gia. Điểm nổi bật trong báo cáo này là cam kết của ông Lawrence Wong trong nỗ lực giải quyết các vấn đề bận tâm hàng đầu của cử tri hiện nay như khủng hoảng giá nhà ở và chi phí sinh hoạt. Một động thái quan trọng khác là tạo sự thay đổi tích cực hơn đối với nền giáo dục của nước này vốn luôn được xếp hạng trong số những hệ thống tốt nhất trên thế giới.

Dựa trên những đề xuất trải rộng ở hầu hết các khía cạnh của đời sống, các nhà phân tích ví bản báo cáo này giống như “tuyên ngôn tranh cử” của ông Lawrence Wong. “Báo cáo nâng cao quan điểm, ưu tiên và chương trình nghị sự của đảng cầm quyền, đặc biệt làm nổi bật vai trò của ông Lawrence Wong với tư cách là lãnh đạo tiếp theo của PAP và thủ tướng thứ 4 của Singapore”, ông Ian Chong, nhà khoa học chính trị từ Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

Không chỉ người dân, mà các nhà đầu tư và các quốc gia khác cũng đang theo dõi quá trình chuyển giao quyền lực lần này tại Singapore. Đảng PAP làm nên lịch sử khi giành chiến thắng tại 14 cuộc bầu cử liên tiếp kể từ năm 1959 và đến nay vẫn duy trì vị thế thống trị. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long lưu ý rằng, mặc dù các chính sách của đảng PAP có thể đang phát huy tác dụng nhưng khó giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Do đó, bên cạnh bảo đảm đảng trong sạch, vững mạnh, các thành viên phải thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân Singapore vào các chương trình phát triển của PAP và giúp họ hiểu những lợi ích thiết thực từ những chính sách của đảng này. Thực tế, ông Lý Hiển Long vẫn lo ngại vị thế của đảng cầm quyền sẽ đối mặt thêm thách thức và động lực chính trị sẽ thay đổi đáng kể nếu một bộ phận đáng kể người dân Singapore muốn có thêm nhiều nghị sĩ đối lập được bầu vào Quốc hội.

Giới quan sát nhận định, chuyển giao quyền lãnh đạo sắp tới sẽ đánh dấu kỷ nguyên mới trong nền chính trị Singapore. Tất nhiên, sự khác biệt đáng kể trong chính sách giữa thế hệ lãnh đạo PAP thứ 3 và thứ 4 vẫn chưa rõ ràng, nhất là trong bối cảnh các nhà lãnh đạo 4G cho rằng, Singapore cần có sự điều chỉnh phù hợp mô hình quản trị quốc gia trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn, khó lường với nhiều thách thức cấp bách hơn.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.