Tình trạng buôn người ở Đông Nam Á đang lan rộng

.

Hoạt động buôn người của các nhóm tội phạm có tổ chức tại Đông Nam Á đã phát triển thành mạng lưới toàn cầu với quy mô lên tới 3.000 tỷ USD mỗi năm.

Quy mô ngoài sức tưởng tượng

Theo CNN, trong cuộc họp báo tại văn phòng Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) ở Singapore ngày 27-3, Tổng Thư ký Interpol Jurgen Stock cho biết: “Được thúc đẩy bởi tính ẩn danh trên môi trường trực tuyến, lấy cảm hứng từ mô hình kinh doanh mới và tăng tốc trong bối cảnh Covid-19, các nhóm tội phạm có tổ chức này đang hoạt động ở quy mô không thể tưởng tượng được so với cách đây một thập kỷ”. Từ khu vực Đông Nam Á, giờ đây mối đe dọa tội phạm này trở thành cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu, với hàng triệu nạn nhân kể cả những người đang tiếp tay cho tội phạm ở các trung tâm lừa đảo trực tuyến, cũng như những đối tượng mà loại tội phạm này đang nhắm đến.

Trong khi buôn bán ma túy đóng góp khoảng 40%-70% thu nhập của tội phạm có tổ chức, các nhóm tội phạm cũng đang sử dụng các mạng lưới buôn người để thu lợi từ việc buôn bán người, vận chuyển trái phép vũ khí và các đồ bị đánh cắp cùng những thứ khác. Khoảng 2.000 tỷ USD - 3.000 tỷ USD tiền bất hợp pháp chuyển qua hệ thống tài chính toàn cầu hàng năm và một nhóm tội phạm có tổ chức có thể kiếm 50 tỷ USD mỗi năm. Hoạt động của các nhóm tội phạm ở châu Á dẫn đến gần 3.500 vụ bắt giữ và thu giữ 300 triệu USD tài sản bất hợp pháp ở 34 quốc gia kể từ năm 2021.

Lao động nô lệ thời hiện đại

Lời khai của những người sống sót mà các chiến dịch của tổ chức phi chính phủ và báo chí đưa tin trong 3 năm qua đã phơi bày sự bùng nổ của các băng nhóm lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á khi nhiều nhóm sử dụng lao động nô lệ để nhắm mục tiêu vào mọi người toàn cầu. Các nạn nhân từ khắp châu Á thường bị lừa làm những công việc có vẻ hợp pháp, sau đó bị bán và đưa vào tổ chức lừa đảo, nơi họ bị cưỡng bức lao động, giam giữ tùy tiện, đối xử tệ hoặc tra tấn mà không có sự trợ giúp từ chính quyền địa phương.

Theo báo cáo năm 2023 của Liên Hợp Quốc (LHQ), hàng trăm nghìn người bị buôn bán, ép buộc tham gia hoạt động tội phạm trực tuyến toàn khu vực. Ước tính, 120.000 người có thể bị giam giữ trong các khu nhà trên khắp Myanmar, cùng với 100.000 người khác bị giam giữ ở Campuchia và các nơi khác trong điều kiện giống như chế độ nô lệ thời hiện đại. Các doanh nghiệp tội phạm cũng tồn tại ở Lào, Thái Lan và Philippines với nhiều hoạt động lừa đảo trực tuyến sinh lợi từ cờ bạc bất hợp pháp, lừa đảo tình cảm và  tiền điện tử.

Tại Myanma, trong các khu nhà được canh phòng nghiêm ngặt, hàng chục nghìn người bị các băng nhóm tội phạm gài bẫy và ép buộc phải lừa gạt người lạ bằng những âm mưu tinh vi thông qua internet. Tháng 11-2023, Myanmar bàn giao hàng nghìn nghi phạm lừa đảo trực tuyến cho nước láng giềng Trung Quốc. Tại Philippines, giới chức đang vật lộn để hạn chế số lượng cơ sở đánh bạc mọc lên ngày càng tăng, được sử dụng làm bình phong cho các trung tâm lừa đảo. Đầu tháng 3-2024, hơn 800 người Philippines, Trung Quốc và công dân các nước khác được giải cứu trong cuộc đột kích của cảnh sát vào trung tâm lừa đảo tình cảm trực tuyến giả danh một sòng bạc gần thủ đô Manila. Hàng trăm nạn nhân bị buộc phải đóng giả làm tình nhân để dụ mọi người gửi tiền. Các nạn nhân khai rằng, mỗi lao động cưỡng bức đều bị các trùm tội phạm gây áp lực buộc phải lừa được 42.000 USD mỗi ngày qua mạng. Họ bị đánh đập nếu không đạt được mục tiêu đó.

Hồi năm ngoái, LHQ báo cáo, hơn 100.000 người  bị buôn bán vào các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Campuchia. Một nhánh tội phạm mạng tương tự cũng được báo cáo xuất hiện ở Thái Lan. Ngay cả ở Singapore, giới chức nước này cũng vừa phát hiện một vụ rửa tiền hồi năm ngoái với số tài sản có liên quan trị giá hơn 2 tỷ USD.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.