Vì sao Boeing liên tiếp gặp sự cố?

.

Gần đây, hãng chế tạo máy bay Boeing đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng. Điều này có phần nào nguyên nhân đến từ cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng hàng không.

Vi phạm kiểm soát chất lượng sản xuất

Trong sự cố mới nhất, ngày 8-3 (giờ Việt Nam), máy bay Boeing 777 chở 249 người dự kiến bay từ Mỹ đến Nhật Bản phải hạ cánh khẩn cấp sau khi vừa cất cánh do rơi một bánh xe. Trước đó, CNN dẫn thông báo của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết, trong quá trình điều tra sai sót tiềm ẩn trong quy trình sản xuất của hãng Boeing, FAA phát hiện thêm một số vấn đề an toàn đối với hai dòng máy bay của Boeing là 737 Max và 787 Dreamliner liên quan hệ thống chống đóng băng động cơ.

Các vấn đề an toàn mới này nổi lên chỉ 2 tháng sau khi thân cửa thoát hiểm trên chuyến bay của hãng hàng không Alaska Air thuộc dòng Boeing 737 Max bất ngờ bung ra do thiếu bu-lông ở vị trí quan trọng, tạo lỗ hổng lớn trên thân máy bay ngay sau khi cất cánh. May mắn không ai bị thương nặng, song toàn bộ máy bay 737 Max phải tạm dừng hoạt động trong 19 ngày. Trước đó, năm 2019, toàn bộ dòng máy bay 737 MAX bị đình chỉ bay trên toàn thế giới sau 2 vụ tai nạn nghiêm trọng vào tháng 10-2018 và tháng 3-2019, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Trong khi đó, dòng Boeing Dreamliner cũng gặp phải sự cố chống đóng băng khác liên quan phần mối hàn bị hỏng, có thể gây sự cố về nhiệt đối với động cơ, tạo rủi ro hỏng hóc nghiêm trọng cho máy bay.

Sau sự cố bung cửa giữa không trung, tháng 1-2024, FAA quyết định thanh tra quy trình sản xuất máy bay 737 MAX và những phát hiện của cuộc kiểm tra này sẽ được sử dụng để xác định phương pháp giám sát dài hạn mới đối với các máy bay của Boeing. Cuộc điều tra tập trung vào việc liệu Boeing có vấn đề không bảo đảm sản phẩm hoàn thiện phù hợp với thiết kế đã được phê duyệt và không ở trong điều kiện vận hành an toàn theo quy định hay không.

Tháng 2-2024, FAA đặt thời hạn 90 ngày để Boeing đưa ra kế hoạch hành động toàn diện khắc phục vấn đề kiểm soát chất lượng mang tính hệ thống. Ngày 4-3, FAA cho biết, kết quả điều tra đối với quy trình sản xuất 737 MAX và Spirit AeroSystems, đơn vị gia công thân máy bay cho hãng này, đã phát hiện nhiều trường hợp không tuân thủ trong kiểm soát quy trình sản xuất, xử lý và lưu trữ các bộ phận và kiểm soát sản phẩm của Boeing.

Hệ quả từ cuộc đua khốc liệt

Boeing 737 MAX ra đời từ sự cạnh tranh khốc liệt. Đây là thế hệ thứ tư của dòng 737, được kỳ vọng sẽ là đối chọi được với dòng A320, được phát triển bởi đối thủ Airbus. Hai “ông lớn” này hiện chiếm thị phần lớn trong số máy bay chở khách một lối đi hoặc thân hẹp toàn cầu, phổ biến đối với nhu cầu máy bay thương mại lúc này. Năm 2010, Airbus đánh bại Boeing khi trình làng chiếc A320neo động cơ mới, đặc biệt mang lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn đáng kể. Đối đầu với đối thủ cạnh tranh mạnh như Airbus, Boeing quyết định thay đổi chiến lược. Boeing 737 MAX ra đời với thông báo của công ty vào cuối năm 2011. Thay vì chế tạo chiếc máy bay hoàn toàn mới sẽ tốn nhiều thời gian, Boeing quyết định “tái chế” trên khung máy bay 737 hiện có. Động thái này được nhận định là cốt lõi dẫn đến những thỏa hiệp về thiết kế có thể đã góp phần gây ra hai vụ tai nạn hồi năm 2018 và 2019.

Theo ABC News, 737 MAX 8 được xem như “đứa con cưng” của Boeing và là “trụ cột chính” của hãng sản xuất máy bay này. Giới hạn sản xuất đối với dòng Boeing MAX 8 và MAX 9 hiện khoảng 30 chiếc mỗi tháng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cấp cao Boeing luôn muốn tăng sản lượng để có thể giao đến khách hàng càng sớm càng tốt. Theo một nhân viên của Boeing đã về hưu, người này phải làm việc liên tục từ 10-12 giờ đồng hồ mỗi ngày để kịp xuất xưởng máy bay. Ông Cornell Beard, Chủ tịch Hiệp hội thợ máy và công nhân hàng không vũ trụ quốc tế, cho rằng, áp lực tiếp tục lên nhân viên có thể khiến kiểm soát chất lượng gặp khó khăn.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.