Quốc tế

Lo ngại nguy cơ lan rộng của cúm gia cầm

21:44, 27/04/2024 (GMT+7)

Các xét nghiệm của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Mỹ đã phát hiện dấu vết của virus gây bệnh cúm gia cầm H5N1 trong các mẫu sữa tiệt trùng đang được bày bán. Điều này cho thấy loại virus này đang lây lan ở quy mô lớn hơn những gì đã ghi nhận trên tài liệu.

Các nhân viên đang dọn dẹp xác những con chim bị chết trên một trong những đảo thuộc quần đảo Farne ngoài khơi bờ biển Northumberland của Vương quốc Anh.  Ảnh: Owen Humphreys/PA
Các nhân viên đang dọn dẹp xác những con chim bị chết trên một trong những đảo thuộc quần đảo Farne ngoài khơi bờ biển Northumberland của Vương quốc Anh. Ảnh: Owen Humphreys/PA

Tuần này, các quan chức FDA Mỹ cho biết, những xét nghiệm trong phòng thí nghiệm phát hiện các vật chất di truyền từ chủng virus cúm gia cầm H5N1 trong những mẫu sữa tiệt trùng. Họ khẳng định, những mẫu đó không chứa virus còn sống, và chuỗi cung ứng sữa thương mại vẫn an toàn, nhưng kết quả xét nghiệm cũng cho thấy chủng virus H5N1 lây lan sang nhiều trang trại nuôi bò lấy sữa với quy mô rộng hơn nhận định trước đó.

Sữa bán vẫn an toàn

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát hiện virus H5N1 với nồng độ rất cao trong sữa nguyên liệu hoặc sữa chưa thanh trùng từ những con bò mắc bệnh. Các chuyên gia rất ngạc nhiên về phát hiện này vì bò vốn không dễ mắc chủng cúm này.

Để phát hiện ra dấu vết của H5N1 trong sữa tiệt trùng, nhóm nghiên cứu FDA Mỹ dùng phương pháp xét nghiệm qPCR vốn chuyên dùng để tìm kiếm dấu vết vật chất di truyền thuộc về mầm bệnh. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những xét nghiệm này không thể được sử dụng để khẳng định sự tồn tại của một loại virus còn sống và có khả năng lây nhiễm.

Theo đó, những đánh giá bước đầu của FDA là các xét nghiệm này chỉ xác định những phần còn lại bất hoạt, không còn hoạt động của H5N1 trong sữa. Tuy nhiên, FDA đang chuẩn bị thực hiện thêm xét nghiệm “tiêu chuẩn vàng” khác để có thể khẳng định chắc chắn thêm. Cùng thời điểm này, giới quan chức y tế Mỹ vẫn tiếp tục tin rằng các loại sữa bán trên thị trường không thể làm lây nhiễm virus H5N1 sang con người.

“FDA và USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) khuyến nghị, dựa trên thông tin hiện có, chuỗi cung ứng sữa thương mại vẫn an toàn vì hai lý do sau: 1, quá trình thanh trùng; 2, sữa của những con bò bị bệnh không bao giờ được đưa vào sản xuất”, FDA trấn an người tiêu dùng trong báo cáo cập nhật mới nhất.

Đến nay, nhiều trường hợp bò bị nhiễm các chủng virus H5N1 thể độc lực cao được phát hiện tại ít nhất 30 trang trại toàn nước Mỹ. Những chủng này được gọi là thể độc lực cao vì chúng có thể khiến số lượng lớn gia cầm nuôi hoặc các loài chim hoang dã mắc bệnh và chết hàng loạt.

Tới nay, con bò mắc virus H5N1 nhìn chung vẫn tránh tình trạng bệnh nặng, nhưng nhiều con có triệu chứng giảm lượng sữa hoặc cho sữa có màu bất thường và chán ăn. Các ca bệnh H5N1 cũng được ghi nhận ở những con mèo có liên quan các ổ dịch trang trại vật nuôi ở các bang Texas, Kansas, và ít nhất có một trường hợp người mắc cúm H5N1 được ghi nhận tại bang Texas mặc dù chưa ghi nhận tình trạng chết vì H5N1 ở những trường hợp vừa nêu.

Thách thức không nhỏ

Các chứng cứ về di truyền học được FDA Mỹ cung cấp cho cộng đồng khoa học vào ngày 21-4 cho thấy thời điểm ban đầu xảy ra việc lây nhiễm H5N1 từ gia cầm sang bò rất có thể là vào đầu tháng 12-2023, nhiều tháng trước khi những ca H5N1 đầu tiên ở bò được báo cáo. Cùng với việc phát hiện dấu vết của virus H5N1 trong các mẫu sữa bò tiệt trùng bày bán, các ổ dịch cúm gia cầm dường như lây lan rộng hơn so với những tính toán hiện tại. “Việc lây lan sang bò xa hơn mức chúng tôi nghĩ”, ông Eric Topol, nhà sáng lập Viện nghiên cứu hệ gen Scripps Research Translational Institute nói với CNN.

Mối lo lớn nhất hiện nay với các chủng cúm gia cầm như H5N1 là một ngày nào đó chúng có thể tiến hóa thành biến thể có khả năng xâm nhập cơ thể con người và gây bệnh nặng trên quy mô lớn. Vì thế, việc các chủng này càng trú ngụ trong cơ thể bò lâu hơn thì nguy cơ các chủng virus đó có thể thích ứng và lan truyền sang các loài động vật có vú và con người cũng sẽ lớn hơn.

Ngày 24-4, WHO kêu gọi tăng cường mạng lưới phát hiện toàn cầu đối với H5N1 vốn đã lây nhiễm ở một số loài động vật. CNN dẫn lời bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch của WHO, nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát chặt chẽ các loài động vật toàn cầu, bên cạnh các loài chim và gia cầm.

Vì sao H5N1 đáng lo ngại?
Mối nguy tiềm ẩn của H5N1 và các chủng cúm gia cầm tương tự khác đang hiện hữu, theo ông Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins. “Các virus cúm gia cầm luôn được xếp vào diện nguy cơ đại dịch cao nhất vì khả năng gây bệnh nặng và lịch sử của các loại virus cúm gia cầm đã từng gây ra những đại dịch cúm. Chẳng hạn, đại dịch cúm năm 1918 là do một virus cúm gia cầm gây ra”, ông Amesh Adalja chia sẻ nhận định với trang Gizmodo.

“Đây là những loại virus thường có độc lực rất cao với ít hoặc không có miễn dịch cộng đồng nào kháng lại chúng. Điều này hoàn toàn khác so với các loại virus cúm theo mùa vốn có miễn dịch cộng đồng, các chương trình chủng ngừa vắc-xin, và cũng thường có độc lực thấp hơn”, chuyên gia này giải thích thêm.
Các chủng virus cúm gia cầm H5N1 đã tồn tại trong nhiều thập niên và từng gây ra nhiều đợt dịch lớn chết chóc với các loài chim hoang dã và đôi khi là với gia cầm nuôi. Tuy nhiên, trong vài năm qua, ngày càng nhiều báo cáo ghi nhận số ca mắc H5N1 trong những loài động vật có vú như sư tử biển, chồn nâu và cá heo.

ĐỖ DƯƠNG

.