Ngập lụt lịch sử ở Dubai, vì sao?

.

Ngày 18-4, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khẩn trương khắc phục hậu quả thảm họa mưa lũ nghiêm trọng nhất trong 75 năm qua khiến phần lớn đất nước rơi vào hỗn loạn, đặc biệt ở Dubai.

Phương tiện giao thông mắc kẹt trong trận lụt lịch sử ở Dubai, UAE, ngày 17-4.  Ảnh: Reuters
Phương tiện giao thông mắc kẹt trong trận lụt lịch sử ở Dubai, UAE, ngày 17-4. Ảnh: Reuters

Chỉ trong một ngày (16-4), thành phố Dubai hứng lượng mưa kỷ lục 160mm, tương đương tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, làm ngập lụt nghiêm trọng, gây xáo trộn cuộc sống của người dân vốn không quen với tình trạng này. Đây là sự kiện khí hậu khác thường khi ghi nhận lượng mưa lớn nhất từ khi công tác thống kê bắt đầu vào năm 1949. Đến nay, ít nhất 1 người chết và gây thiệt hại chưa thể thống kê tại UAE, trong khi ít nhất 20 người thiệt mạng ở nước láng giềng Oman. Ngày 18-4, hoạt động tại Sân bay quốc tế Dubai - sân bay nhộn nhịp nhất thế giới về lưu lượng hành khách quốc tế - vẫn bị gián đoạn sau khi cơn bão càn quyét vào ngày 16-4, gây mưa lớn làm ngập đường băng, khiến các chuyến bay phải chuyển hướng, chậm trễ và bị hủy.

Giải oan công nghệ gieo mưa nhân tạo

Mưa lớn là hiện tượng bất thường ở UAE, đất nước nằm trên Bán đảo Arab với khí hậu sa mạc khô hạn. Đây là một trong những khu vực nóng nhất và khô nhất trên trái đất. Nhiệt độ không khí mùa hè có thể lên tới trên 50 °C. Do đó, nhiều nghi vấn rộ lên về “thủ phạm” thực sự sau trận mưa lũ bất thường ở thành phố sa mạc Dubai là công nghệ gieo mưa nhân tạo (cloud seeding), quá trình mà UAE thường xuyên tiến hành để ứng phó với tình trạng khô hạn. Công nghệ này bao gồm việc phun các phân tử muối như bạc iodide hoặc chloride vào các đám mây. Các tinh thể muối này giúp tạo các tinh thể băng trong mây. Độ ẩm trong các đám mây sau đó bám vào tinh thể băng này và ngưng tụ thành mưa nhân tạo.

Giới chức UAE lập tức phủ nhận thông tin mưa nhân tạo dẫn đến trận lụt lịch sử. Ngày 17-4, CNBC dẫn lời Omar AlYazedi, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Khí tượng UAE (NCM) khẳng định cơ quan này không làm mưa nhân tạo trong thời gian trước khi cơn bão gây mưa lũ. Tương tự, giới khoa học cũng bác bỏ đồn đoán mưa nhân tạo là nguyên nhân. Theo Wired, hầu hết nhà khoa học đều cho rằng phương pháp gieo hạt trên đám mây có tác động rất nhỏ, cục bộ và khó có thể gây ra lũ lụt ở các khu vực khác. Thực tế, UAE thực hiện hơn 300 lần tạo mưa nhân tạo thông qua phương này hằng năm. Theo các chuyên gia, nếu việc gieo hạt trên đám mây có tác động, nó sẽ chỉ làm tăng lượng mưa tối đa 25% mỗi năm. Trong khi đó, dù không thực hiện bất kỳ hoạt động tạo mưa nào, nước láng giềng Oman còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, thậm chí chịu thương vong cao hơn. Dựa trên những phân tích này, rất khó để nói rằng công nghệ này là nguyên nhân chính gây thảm họa mưa lũ.

Đi tìm nguyên nhân sâu xa

Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể “tiếp tay” gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE. New York Times dẫn lời Giáo sư Janette Lindesay, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết, một hệ thống áp suất thấp di chuyển trên Bán đảo Arab và Vịnh Oman đã tương tác với các phần của dòng khí phản lực, tạo luồng gió di chuyển từ tây sang đông trên các vĩ độ ôn đới ở Bắc bán cầu, gây mưa.

Thực tế, bản thân điều đó không có gì là bất thường. Tuy nhiên, nhiệt độ không khí và nước biển tăng cao, sự bốc hơi của đại dương ngày càng gia tăng, độ ẩm trong khí quyển tăng lên có thể góp phần gây ra trận mưa dữ dội hơn. Như vậy, nhiệt độ toàn cầu tăng cao dẫn đến những cơn mưa lớn hơn trên khắp hành tinh, ngay cả ở những vùng khô hạn hoặc thậm chí ngay giữa đợt hạn hán. Vấn đề thực sự ở đây là con người đã không thể loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Do đó, nhân loại phải chuẩn bị cho các điều kiện thời tiết khắc nghiệt chưa từng có và sẽ còn tồi tệ hơn cho đến khi chúng ta đạt được mức phát thải ròng bằng 0.

Một thực tế đáng chú ý khác là Dubai vốn không được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng để đối phó với lượng mưa lớn đột ngột, không giống như các thành phố được thiết kế cho điều kiện thời tiết như vậy. Nhiều nhà quan sát so sánh tình huống bị động này với việc tuyết bất ngờ rơi dày đặc khiến thành phố Mumbai (Ấn Độ) lúng túng khi ứng phó. Được biết, Dubai đã phát triển nhanh chóng trong vài thập niên qua. Tuy nhiên, trước đây, họ ít chú ý đến cơ sở hạ tầng như cống thoát nước mưa có thể giúp thành phố đối phó với dòng nước mưa đột ngột tràn vào. Bên cạnh đó, khu vực này chủ yếu là vật liệu bê tông và kính, có rất ít không gian xanh để hấp thụ lượng mưa. Kết quả là người dân lại rơi vào cảnh hỗn loạn mỗi khi trời mưa.

Thực tế, UAE không phải khu vực sa mạc hay hạn hán duy nhất bị tàn phá bởi mưa lũ trong nhiều năm gần đây. Công viên quốc gia Thung lũng Chết ở bang California - được biết đến là một trong những khu vực nóng và khô hạn nhất trên trái đất - chứng kiến những trận lụt lịch sử vào các năm 2022, 2023 và tháng 2-2024.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.