Thấy gì từ việc loạt quan chức Mỹ thăm Trung Quốc?

.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 ở San Francisco bắt đầu khai thông sự bế tắc trong quan hệ song phương trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, giới quan sát chính trị đặt câu hỏi: tại sao hàng loạt quan chức cấp cao Mỹ liên tục đến Trung Quốc chứ không phải điều ngược lại?

Điều này cho thấy quan hệ Mỹ - Trung còn rất nhiều vấn đề khá gai góc cả song phương lẫn trên bình diện toàn cầu. Nhìn từ góc độ mô hình cạnh tranh chiến lược, có thể thấy “cạnh tranh, hợp tác, đối đầu” có thể là xu hướng chính trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cả trước mắt và lâu dài.

Tuy là cường quốc số một thế giới, nhưng trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến đổi không ngờ, vai trò của Mỹ ngày càng sụt giảm ở nhiều khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ, tạo sức cạnh tranh quyết liệt về tầm ảnh hưởng với Mỹ cả về chính trị và kinh tế ở châu Á, châu Âu và nhất là châu Phi. Thực tế này buộc Mỹ không thể coi thường mà phải có những hành động kiềm chế. Để làm điều đó, cách duy nhất là chính Mỹ phải chủ động vừa lên tiếng cảnh báo, vừa tìm cách đối thoại với Trung Quốc nhằm gây sức ép nhưng vẫn duy trì sự ổn định lớn hơn giữa hai nước.

Chưa đầy một năm kể từ khi Mỹ-Trung tái khởi động đối thoại song phương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hai lần công du Trung Quốc. Lần này, chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 24 đến 26-4 của ông được cho sẽ gặp nhiều khó khăn vì Trung Quốc không có chung quan điểm về nhiều vấn đề, nhất là ngay sau khi Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật buộc công ty ByteDance của Trung Quốc phải bán TikTok nếu không sẽ phải gỡ ứng dụng này ra khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ. Cùng với đó, hai bên còn có hàng loạt các vấn đề gai góc khác như Tổng thống Mỹ Joe Biden đòi áp đặt thuế cao hơn nữa nhiều mặt hàng của Trung Quốc; việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine; hay vấn đề Triều Tiên và cuộc xung đột ở Gaza…

Trong bài xã luận của Tân Hoa xã đăng vào ngày 24-4, chỉ ít giờ trước khi Ngoại trưởng Blinken tới Thượng Hải, cho rằng dù gần đây mối quan hệ song phương bình ổn kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh tại San Francisco và quân đội hai nước đã nối lại đối thoại, nhưng vẫn còn có mâu thuẫn lớn, chủ yếu là do Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa và đây là nhận thức sai lệch sâu sắc. Tân Hoa xã cũng nhấn mạnh, Trung Quốc mong muốn có sự cạnh tranh lành mạnh tạo thuận lợi cải thiện song phương chứ không phải là cạnh tranh nhằm triệt hạ nhau; đồng thời cảnh báo, việc đơn phương tỏ “thái độ trịch thượng” hoặc lợi dụng thế mạnh để thao túng sẽ không dẫn đến đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc.

Điểm đáng chú ý là chuyến đi lần này của ông Blinken là sự tiếp nối chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Janet Yellen và cuộc điện đàm gần đây của ông Tập Cận Bình với ông Biden. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc. Bên cạnh đó, các cuộc họp giữa hai nước ở cấp thấp hơn cũng liên tiếp diễn ra.

Những động thái này cho dư luận thấy là Mỹ-Trung đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ song phương sau nhiều năm căng thẳng. Song một số nhà phân tích còn cho rằng, Trung Quốc dường như nhìn việc các quan chức cấp cao Mỹ đến nước này theo hướng khác. Global Times nhận định, những chuyến thăm liên tiếp gần đây của quan chức Mỹ cho thấy Mỹ không thể giải quyết các vấn đề trong nước và toàn cầu nếu không có sự hợp tác từ Trung Quốc.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.