Động lực đẩy Triều Tiên thêm gần Iran

.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên hiện nay cho thấy, nước này thiết lập quan hệ bình thường với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng trong đó tập trung xây dựng mối quan hệ với các quốc gia có những điểm tương đồng và thường nằm trong vòng bao vây, cấm vận và trừng phạt của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây. Mối quan hệ đối tác giữa Triều Tiên và Iran trong những thập kỷ gần đây trở thành chủ đề thu hút chú ý của dư luận quốc tế.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước được cải thiện đáng kể sau thắng lợi của Cách mạng Iran năm 1979 và việc thành lập Cộng hòa Hồi giáo Iran. Việc xây dựng mối quan hệ được khởi xướng trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và quân sự. Đáng chú ý, vào những năm 1980, Triều Tiên là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy cho Iran. Việc Triều Tiên bán vũ khí cho Iran góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm cả việc phát triển và trao đổi công nghệ đạn đạo. Triều Tiên từng cử cố vấn quân sự tới Iran và trở thành nhà cung cấp công nghệ tên lửa chính cho Tehran trong những năm 1990. Ngoài ra, Triều Tiên cung cấp cho Iran pháo, súng phòng không, súng cối, đạn dược, xe tăng, vũ khí nhỏ, ngư lôi, hệ thống tên lửa chống tăng và tên lửa đất đối không. Năm 1995, Triều Tiên gửi tên lửa Scud cho Iran và đến tháng 11-1999, tình báo Mỹ phát hiện việc chuyển 12 động cơ tên lửa Nodong từ Triều Tiên sang Iran.

Hợp tác Triều Tiên - Iran trong lĩnh vực công nghệ đạn đạo gia tăng với tốc độ nhanh chóng. Nhân tố này đã tạo tiền đề cho Iran không ngừng phát triển các tổ hợp quân sự sản xuất các loại vũ khí ngày càng hiện đại, thậm chí phương Tây còn nghi ngại cả về công nghệ hạt nhân. Nhất là sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đưa Iran vào tình trạng “cảnh báo” vào tháng 2-2017, dẫn đến thỏa thuận hạt nhân bị hủy bỏ và các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ được khôi phục, đã đẩy Iran gắn kết chặt chẽ với Triều Tiên, khi cả hai quốc gia đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng của Mỹ.

Trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ, khu vực Trung Đông đứng trước nguy cơ bùng phát xung đột lan rộng, cuối tháng 4 vừa qua, Triều Tiên cử một đoàn chuyên gia cấp cao kinh tế và thương mại đến thăm Tehran trong 9 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ năm 2019. Theo trang DW, nhận định về diễn biến này, Giáo sư Kim Sung Kyung tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên có trụ sở ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết: “Triều Tiên có lẽ coi đây là cơ hội tốt để bán vũ khí và công nghệ quân sự cho Tehran để đổi lại một số lợi ích kinh tế. Cả hai nước đều đang phải chịu các lệnh trừng phạt”. Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani lên tiếng chỉ trích truyền thông nước ngoài vì những suy đoán định kiến khi đăng tải tin tức sai sự thật và vô căn cứ.

Ở một khía cạnh khác, theo DW, Giáo sư quan hệ quốc tế Daniel Pinkston tại Đại học Troy (Seoul) nhận định Iran và Triều Tiên có mối quan hệ lâu đời và mặc dù rất khác nhau, nhưng hai nước có một số điểm tương đồng. Theo ông Pinkston, trong đó cả hai đều có sự bất bình sâu sắc đối với Mỹ và phương Tây nói chung.

Trong khi đó quan hệ giữa Triều Tiên với Nga đã phát triển mạnh vài năm gần đây. Đặc biệt, trong chuyến thăm Nga hồi tháng 9-2023 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mở ra một giai đoạn hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, trong đó quân sự được coi là điểm nhấn khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ở giai đoạn khốc liệt.

Quan sát thấy rõ, Triều Tiên đã và đang ưu tiên thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng với các quốc gia có những điểm tương đồng nhưng bị Mỹ và các đồng minh phương Tây bao vây cấm vận. Và đây lại là nghịch lý làm cho Mỹ lo ngại khi Triều Tiên là quốc gia có công nghệ và tiềm lực không thể xem thường.

LÊ MiNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.