Phép thử khó cho quan hệ Mỹ-Israel

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên công khai cảnh báo Israel rằng Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu nước này tấn công quy mô lớn vào Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas ở Gaza và cũng  là nơi nương náu cuối cùng của người dân Palestine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu cảnh báo sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu nước này tấn công quy mô lớn vào Rafah. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu cảnh báo sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu nước này tấn công quy mô lớn vào Rafah. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên đưa ra ngay sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo tạm dừng vận chuyển lô hàng bom hạng nặng đến Israel. Quyết định này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của ông Biden và là trường hợp đầu tiên về việc Mỹ từ chối viện trợ quân sự cho đồng minh thân cận kể từ khi chiến sự Israel-Hamas bùng nổ, bất chấp việc Quốc hội Mỹ gần đây thông qua gói viện trợ quân sự hàng tỷ USD cho Israel.

Vạch “lằn ranh đỏ”

“Tôi đã nói rõ nếu Israel tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp các loại vũ khí và đạn pháo mà họ đã sử dụng ở các thành phố khác”, Tổng thống Biden nói trong cuộc phỏng vấn của CNN vào ngày 8-5. Cảnh báo thẳng thừng này cho thấy ngôn từ công khai mạnh mẽ nhất của ông cho đến nay nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Rafah, đồng thời cho thấy sự rạn nứt ngày càng tăng với đồng minh thân cận nhất này ở Trung Đông. Mỹ lâu nay phản đối tấn công quy mô lớn của Israel mà không có biện pháp bảo vệ dân sự. Đầu tuần này, Israel tiến quân vào Rafah, nơi có mật độ người Palestine đông nhất ở Gaza. Tuy nhiên, ông Biden không coi đây là cuộc tấn công toàn diện vì chưa nhắm các trung tâm dân cư - một “lằn ranh đỏ” mà Mỹ vạch ra. Điều đáng chú ý là ông Biden cảnh báo Thủ tướng Israel Netanyahu về nguy cơ sa lầy ở Gaza khi chỉ ra những điểm tương đồng với “trải nghiệm” của Mỹ ở chiến sự Afghanistan và Iraq trước đó. Đáng chú ý, ông Biden lần đầu tiên thừa nhận các vũ khí của Mỹ trước đây được Israel sử dụng và gây thương vong cho dân thường Gaza. Đến nay, chiến dịch quân sự của Israel khiến hơn 34.700 người Palestine, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng.

Tuyên bố của ông Biden được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ tạm dừng vận chuyển lô hàng gồm hàng ngàn quả bom hạng nặng đến Israel, thậm chí còn thông báo những chuyến hàng khác có thể cũng gặp phải tình trạng chậm trễ tương tự. Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Biden cho rằng, dân thường ở Gaza đã thiệt mạng vì những quả bom nặng hơn 900kg được gửi tới Israel cũng như các cách thức khác mà Israel đã sử dụng để tấn công các trung tâm dân cư ở các nơi khác trên Gaza trước đó.

Nguy cơ thêm rạn nứt

Việc tạm dừng giao vũ khí cho Israel gây ra làn sóng phản ứng từ giới lãnh đạo đảng Cộng hòa. Theo Guardian, “Israel phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu và đa mặt trận… Khoảng cách giữa Mỹ và Israel vào thời điểm nguy hiểm này có nguy cơ tạo điều kiện cho đối thủ của Israel; đồng thời làm xói mòn niềm tin mà các đồng minh và đối tác khác dành cho Mỹ”, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson viết trong thư gửi ông Biden. Tuy nhiên, vẫn có tiếng nói ủng hộ đến từ các đảng viên đảng Dân chủ cấp tiến khi cho rằng quan hệ hợp tác phải đến từ hai chiều, không phải là “những tấm séc” một chiều từ Mỹ. 

Dù tuyên bố Mỹ không cung cấp vũ khí tấn công có trọng tải lớn và đạn pháo gây mức độ sát thương lớn nhưng ông Biden vẫn cam kết không rời bỏ “chiếc ô an ninh” lâu nay dành cho Israel. Mỹ tiếp tục cung cấp đạn dược cho “Vòm sắt”, hệ thống phòng không chính của Israel vốn hoạt động tốt khi đối mặt với cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào tháng trước.

Quyết định mới nhất của Mỹ là kết quả của quá trình cân nhắc kỹ lưỡng về mọi mặt trong bối cảnh ông Biden đứng trước nhiều sức ép. Thực tế, phong trào phản đối Israel đã vượt ra khỏi lãnh thổ Mỹ và lan rộng ra nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt thêm “nóng” ở châu Âu trong những ngày qua. AP dẫn lời trợ lý giáo sư Đại học Kuwait Bader Al-Saif cảnh báo Mỹ sẽ ở tình trạng rất tệ cả trên bình diện quốc tế lẫn trong nước nếu tiếp tục hỗ trợ Israel vào thời điểm đặc biệt này.

Cảnh báo cứng rắn của ông Biden đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ đồng minh thân thiết kéo dài hơn 70 năm với Israel, trong đó lô hàng bom bị đình chỉ có thể chỉ là biểu hiện rạn nứt đầu tiên, và những diễn biến sắp tới tùy thuộc vào cách Israel hành động ở Rafah. Sputnik News dẫn lời ông Hasan Unal, giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Ankara Baskent (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định, động cơ của Mỹ là họ muốn tác động đáng kể đến việc tái hoạch định chính sách của Israel mà cụ thể ngay lúc này là kiềm chế Israel khỏi cuộc tấn công dữ dội vào Rafah bởi nó sẽ trở thành cuộc thảm sát không thể phủ nhận, điều khiến Mỹ trở thành bên đồng lõa rõ ràng. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ hiện không đủ khả năng chống đỡ mọi mũi dùi đả kích đang chĩa vào mình trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.

Những gì ông Biden đang thể hiện khiến dư luận không khỏi liên tưởng đến thực tế rằng Mỹ có “đòn bẩy đáng kể” đối với Israel trong quá khứ, đặc biệt là về mặt vận chuyển vật tư quân sự. Vào thập niên 1980, khi Israel bắt đầu cuộc chiến ở Lebanon, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan đã gọi điện cho Thủ tướng Rabin và yêu cầu ông dừng lại. Trong thời gian tới, nếu Mỹ tiếp tục dừng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Israel thì kho dự trữ của Israel sẽ cạn kiệt trong một thời gian ngắn.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.