Singapore bước vào kỷ nguyên mới

.

Ngày 15-5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) chính thức trở thành Thủ tướng mới của Singapore, đánh dấu sự chuyển giao lãnh đạo lần đầu tiên trong gần 20 năm tại quốc đảo sư tử.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hoàng Tuần Tài trở thành Thủ tướng mới của Singapore. Ảnh: Reuters
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hoàng Tuần Tài trở thành Thủ tướng mới của Singapore. Ảnh: Reuters

Trước đó, để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, từ năm 2022, Thủ tướng Lý Hiển Long chọn ông Hoàng Tuần Tài làm Chủ tịch đảng cầm quyền Hành động nhân dân (PAP).

Giữ ổn định chính sách

Ông Hoàng Tuần Tài, con trai của một doanh nhân và nhà giáo, từng là công chức và là thư ký riêng cấp cao nhất của ông Lý Hiển Long trước khi lần đầu trở thành nghị sĩ Quốc hội năm 2011. Chính trị gia 51 tuổi này từng làm Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Phát triển quốc gia và bắt đầu được dư luận đặc biệt chú ý năm 2020 khi được bổ nhiệm làm đồng chủ tịch nhóm chuyên trách liên bộ ứng phó Covid-19.

Theo giới quan sát, ông Hoàng Tuần Tài sẽ tiếp tục hầu hết chính sách của chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt trong vấn đề liên quan kinh tế và đối ngoại. “Đây là sự chuyển giao nội bộ của PAP, vì vậy nó không phải sự thay đổi lớn nào về phương diện dân chủ hay chính trị. Tuy nhiên, điều quan trọng ở phương diện khép lại một kỷ nguyên”, giảng viên Donald Trump Low của Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc) bình luận với Kyodo. Năm 2004, GDP bình quân đầu người của Singapore là 27.610 USD, thì 20 năm sau, con số này tăng lên 82.450 USD, cao hơn 2,6 lần so với Nhật Bản và hơn 1,6 lần so với Hong Kong (Trung Quốc), theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế. “Về mặt kinh tế, Singapore đang ở nhóm dẫn đầu, vậy nên không còn hình mẫu nào khác nữa mà nước này cần bắt kịp, đồng nghĩa Singapore sẽ phải tự hoạch định hướng đi của mình”, ông Low nhận định.

Thách thức với tân Thủ tướng

Bên cạnh thành công kinh tế xuất sắc, Singapore phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Giá cả tăng cao và dân số già là hai trong nhiều bài toán khó mà ông Hoàng Tuần Tài sẽ phải hóa giải. Ông bày tỏ ý định Chính phủ sẽ giải quyết những lo ngại về việc làm và chi phí sống, đồng thời đưa ra cam kết lớn hơn với các gia đình, người lớn tuổi và nhóm dễ tổn thương.

Theo Tập đoàn Economist Intelligence Unit, Singapore vẫn là thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Trong 11 năm qua, đây là lần thứ 9 nước này giữ “danh hiệu” khó chịu đó. Giá nhà hoặc giá thuê căn hộ tăng hơn gấp đôi trong gần 20 năm qua. Khoảng 80% dân số Singapore sống trong các khu nhà ở xã hội, nhiều người dùng tiền trong khoản quỹ tiết kiệm hưu trí bắt buộc do Chính phủ quản lý để mua nhà ngay cả khi việc này có thể ngốn sạch các khoản quỹ dành cho lúc về hưu. Người già đã vậy, người trẻ cũng không dễ dàng hơn trong chuyện nhà cửa. Chi phí sống tăng cao khiến cuộc sống khó khăn hơn, đặc biệt với những người lớn tuổi.

AP dẫn lời chuyên gia Ryoichi Hisasue thuộc Viện phát triển kinh tế thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho rằng, dù Singapore đã “trưởng thành” nhưng đang già đi và có áp lực ngày càng tăng từ công chúng về sự tái phân phối của cải. “Tăng trưởng kinh tế cũng đi kèm với hệ lụy như nới rộng bất bình đẳng và giá cả tăng. Tân Thủ tướng sẽ phải đạt sự cân bằng giữa duy trì kinh tế thịnh vượng, sự cởi mở và ý chí của người dân”, ông Hisasue bình luận.

Năm 2023, ông Lý Hiển Long thừa nhận đảng PAP cầm quyền “bị giáng đòn nặng” sau loạt bê bối khiến sự ủng hộ giảm trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 khi tỷ lệ phiếu bầu rớt xuống còn 61% từ mức gần 70% vào năm 2015. Một vấn đề nữa ông Hoàng Tuần Tài sẽ phải giải quyết là tỷ lệ sinh giảm dần trong vài chục năm qua và đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên tăng từ 11,7% vào năm 2013 lên 19,1% vào năm 2023. Gánh nặng tài chính từ các khoản chi phí cho giáo dục ngày càng tăng là nguyên nhân phía sau tỷ lệ sinh sụt giảm đó.

Về chính sách đối ngoại, ông sẽ phải tiếp tục chèo lái để giữ thế cân bằng giữa một bên là quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, bên còn lại là quan hệ hợp tác an ninh quan trọng với Mỹ. Đây cũng là nhiệm vụ mà người tiền nhiệm Lý Hiển Long đã gánh vác.

Di sản của dòng họ Lý
PAP lãnh đạo Singapore liên tục kể từ khi ông Lý Quang Diệu (cha của ông Lý Hiển Long) trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore vào năm 1959. Sau khi nước này hoàn toàn độc lập vào năm 1965, ông Lý Quang Diệu tiếp tục lãnh đạo đất nước tới năm 1990. Nối bước cha, ông Lý Hiển Long giữ cương vị Thủ tướng trong 5 nhiệm kỳ kể từ năm 2004. Trong suốt khoảng thời gian này, Singapore trở thành trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau New York (Mỹ) và London (Anh), rất thành công trong thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Như “truyền thống” trong quá trình chuyển giao quyền lực theo “mô hình Singapore”, sau khi từ chức Thủ tướng, ông Lý Hiển Long vẫn là bộ trưởng cao cấp trong nội các mới của ông Hoàng Tuần Tài, giống như việc ông Lý Quang Diệu giữ vai trò này trong giai đoạn 1990-2004. Giới quan sát hy vọng ông Lý Hiển Long, trong vị trí bộ trưởng cao cấp ở nội các mới, sẽ đóng vai trò như “đại sứ toàn cầu” vì ông gầy dựng quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.