.

Phép thử

.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã được Nga - Mỹ bảo trợ và có hiệu lực vào ngày 27-2 vừa qua. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã tái khẳng định sự cần thiết của việc hợp tác nhằm chấm dứt tình trạng thù địch ở Syria. Người phát ngôn Nhà Trắng John Earnest cũng nêu rõ chính phủ Mỹ “đã tiên liệu sẽ có báo cáo về các vụ vi phạm và chúng tôi sẽ xử lý một số “ổ gà trên đường” để thực thi thành công thỏa thuận ngừng bắn”; đồng thời cho rằng hiện còn quá sớm để tuyên bố ai phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm lệnh ngừng bắn ở Syria.

Chưa vội bàn đến hiệu quả của thỏa thuận ngừng bắn ở Syria sẽ được duy trì bao lâu, nó có tác động như thế nào đối với chính quốc gia này và khu vực Trung Đông, mà lý giải câu hỏi vì sao Mỹ lại hợp tác với Nga để bảo trợ cho tiến trình này.

Nguyên nhân đẩy Syria vào cuộc khủng hoảng chính trị rồi dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài nằm trong chuỗi “cuộc cách mạng màu” do Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đạo diễn. Mục tiêu mà Mỹ và các đồng minh nhắm đến là lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad để dựng lên bộ máy mới kiểm soát quốc gia đi theo hướng chỉ đạo của họ.

Song, phe nổi dậy ở Syria đã không thực hiện được mục tiêu đề ra và Tổng thống Assad vẫn đứng vững.

Mặt khác, việc đẩy Syria vào cuộc nội chiến đã tạo ra 2 nguy cơ vô cùng nghiêm trọng: dòng người tị nạn lên cả chục triệu người, tràn ngập vào các nước láng giềng, sang cả châu Âu; biến quốc gia này thành mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức khủng bố, nhất là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động.
Những diễn biến ở Syria làm cộng đồng quốc tế nghĩ đến Iraq, quốc gia có chung đường biên giới với nước này, cũng lâm vào cuộc khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng sau khi Mỹ và các đồng minh lật đổ Tổng thống Saddam Hussen.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, Mỹ và các đồng minh đưa ra yêu sách là Tổng thống Assad phải ra đi. Nhưng bài học xương máu ở Iraq đã cho Nga cái nhìn mới rằng, chính phủ của ông Assad phải đứng vững và là trụ cột để chính người Syria định đoạt vận mệnh của nước mình thông qua cuộc bầu cử. Song, cùng với tiến trình đó, Nga tung lực lượng không quân chưa từng có kể từ sau Thế chiến thứ hai tấn công quyết liệt vào các nhóm khủng bố, nhất là IS.

Sau hơn 5 tháng hành động, liệu pháp tấn công của Nga bằng không quân và sự phối hợp lực lượng mặt đất của quân đội Syria đã mang lại hiệu quả đáng kể. Sào huyệt của IS bị xóa sổ, lực lượng của chúng suy yếu nghiêm trọng và bị đẩy ra nhiều khu vực khác, thậm chí phải lẩn trốn sang các quốc gia khác như Libya. Còn các nhóm khủng bố khác cũng bị tổn thất nặng nề.

Từ thực trạng đó, cùng với những tàn phá nặng nề do chiến tranh, có nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo cho hàng triệu người dân vùng chiến sự, các bên liên quan, trong đó có gần 100 phe nhóm đối lập với chính phủ Syria đã đi đến thỏa thuận ngừng bắn vừa qua.

Tuy nhiên, con đường đi tới lệnh ngừng bắn thực sự và lâu dài tại Syria không dễ dàng bởi tình hình còn diễn biến phức tạp. Vòng đàm phán mới về hòa bình cho Syria vẫn tiếp tục bị trì hoãn do hàng trăm phe phái khác nhau chưa chịu ngồi cùng nhau để tìm ra giải pháp chính trị.

Nhưng trước hết đây là “phép thử” cho cả Nga lẫn Mỹ. Đặc biệt, để chấp nhận Nga tham gia “cuộc chơi” ở Syria là chuyện “chẳng đặng đừng” của Mỹ và các đồng minh. Bởi lẽ, đây là khu vực mang tính chiến lược vô cùng quan trọng đối với Washington, họ không muốn Nga có một vai trò, vị trí nào cả nhưng vì thấy giải pháp mà người Nga đưa ra để giải quyết vấn đề Syria có vẻ hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Hơn nữa, Iraq là bài học nhãn tiền mà Mỹ đã và đang đối diện. Cách đây 13 năm, khi tiến quân vào Baghdad, Mỹ đã xóa sạch bộ máy của chính quyền cũ, dựng lên chính quyền mới, nhưng đến nay vẫn chưa đứng vững, để rồi thường xuyên bị tấn công khủng bố ngay tại thủ đô và cuộc đối đầu giữa người Hồi giáo dòng Shi’ite với Sunni vẫn triền miên.

Một khi “phép thử” cho cuộc xung đột ở Syria thành công cũng sẽ là chìa khóa để Nga và Mỹ tiếp tục hợp tác nhằm hóa giải các vấn đề khác tồn đọng lâu nay, như Ukraine là một ví dụ.               

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.