.

3 vấn đề lớn tại Hội nghị G7

.

Ngày 26 và 27-5, tại tỉnh Mie (Nhật Bản) sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Mỹ và Nhật Bản). Đặc biệt, còn có thêm Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng do nước chủ nhà đề xuất, mời thêm một số quốc gia liên quan đến các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu để thảo luận nhằm tìm tiếng nói chung. Ba vấn đề lớn đang đặt ra cho G7 lần này:

Một là về phối hợp hành động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù các quốc gia có nhiều nỗ lực để khắc phục sự trì trệ, thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng nhiều tháng qua, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với triển vọng bấp bênh, do nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi chậm lại.

Nguyên nhân tác động đến sự trì trệ đó là từ sự lao dốc của giá dầu, cũng như khả năng nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt gần đây, báo chí quốc tế đã phanh phui nạn trốn thuế mang tính toàn cầu làm suy giảm lòng tin và tốc độ phát triển kinh tế do thất thu thuế.

Để tìm những quan điểm, cách thức và tiếng nói chung trước thềm hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến công du tới nhiều nước châu Âu. Tại Anh, ngày 5-5, ông đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp David Cameron.

Ngoài việc thảo luận về công tác chuẩn bị chương trình cho Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, hai bên bàn về quan hệ song phương, ông Abe bày tỏ rằng, Nhật Bản muốn Anh ở lại EU vì điều đó có lợi cho châu Âu và thế giới trong việc xử lý những vấn đề lớn hiện nay. Trước đó, tại Pháp, ông Abe và Tổng thống Francois Hollande nhất trí rằng, hai nước cần thực hiện các biện pháp tài chính một cách linh hoạt, tiến hành cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hướng tới sự ổn định của tỷ giá.

Ngày 21-5, sau hai ngày nhóm họp tại thành phố Sendai, vùng Tohoku ở đông bắc Nhật Bản, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 cũng nhất trí hợp tác giải quyết các nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng.

Hai là về vấn đề chống khủng bố. Nguy cơ khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al-Qaeda, Taliban… ngày càng gia tăng, nhất là ở châu Âu, một số quốc gia ở châu Á và châu Phi. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu diễn ra ở Pháp, Bỉ cũng như các cơ sở, lực lượng của chúng ở Pakistan, Afghanistan, Syria, Iraq, Lybia đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới.

Mặc dù cộng đồng quốc tế đã tiến hành những biện pháp mạnh mẽ, kể cả hợp tác trong việc ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính, chặn đứng việc chiêu mộ chiến binh, hay mở các đợt tấn công quân sự nhằm vào các mục tiêu trọng yếu của khủng bố nhưng vẫn chưa tiêu diệt hoàn toàn các thủ lĩnh, các vị trí đồn trú của chúng, nên tiếp tục đặt ra cho G7 phải có những giải pháp hữu hiệu hơn.

Ba là về tự do hàng không và hàng hải. Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở khu vực rộng hơn 2 triệu km2 trên Biển Đông đã bị nhiều quốc gia lên án như một hành động trắng trợn chưa từng có tiền lệ và vi phạm luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục có các động thái để chiếm giữ lấy vùng biển có tầm quan trọng chiến lược này, đồng thời gia tăng lời lẽ dọa nạt về mặt quân sự. Đây là vấn đề được nước chủ nhà Nhật Bản hết sức quan tâm vì nó có ảnh hưởng sống còn đến hòa bình, an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cả thế giới.

Bởi vậy, chuyến thăm các nước chủ chốt châu Âu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 của Thủ tướng Shinzo Abe cũng thu hút sự quan tâm của giới quan sát khi Nhật Bản muốn đưa vấn đề tự do hàng hải và bảo vệ nguyên trạng Biển Đông vào chương trình nghị sự.

Bốn nước G7 châu Âu vốn có thái độ trung lập trước tranh chấp ở Biển Đông, nhưng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2015 ở Berlin (Đức) và Hội nghị Ngoại trưởng G7 hồi đầu tháng 4 vừa qua ở Tokyo (Nhật Bản), những vấn đề trên đã được đưa vào tuyên bố chung. Chắc chắn chủ đề này sẽ được đưa ra bàn thảo và có tuyên bố mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này.

Một dấu hiệu cho thấy rõ điều đó là khi phát biểu với hơn 2.000 trí thức, doanh nhân, sinh viên, học sinh tại Hà Nội vào ngày 24-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng: “Ở Biển Đông, chúng tôi không phải là một bên tranh chấp, nhưng chúng tôi khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế”.

Đồng thời, ông Obama cũng nhấn mạnh: “Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta không chỉ Việt Nam một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ hơn, việc giải quyết các tranh chấp cần tiến hành hòa bình. Các thể chế như ASEAN và cấp cao Đông Á cần được củng cố. Đó là điều mà chúng tôi tin tưởng và ủng hộ”.

Ba vấn đề trên được nước chủ nhà Nhật Bản đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này để thảo luận, tìm ra các biện pháp để giải quyết là mang tính thiết thực, kịp thời.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.