.

Biển Đông - tâm điểm đối thoại Shangri-La 2016

Từ ngày 3-6 đến 5-6, diễn dàn an ninh châu Á thường niên mang tên Đối thoại Shangri-La sẽ lại được mở ra tại Singapore, quy tụ các quan chức và chuyên gia an ninh, quốc phòng từ hơn 30 nước, trong đó có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định sẽ tham dự, bao gồm: Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam.

Một điều đáng chú ý là 3 năm trở lại đây, Đối thoại Shangri-La luôn nóng với nhiều ý kiến khi thì “bóng gió”, khi thì “trực diện”, nhằm phê phán, chỉ trích việc Trung Quốc gia tăng các hành động nhằm kiểm soát khu vực Biển Đông.

Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh), ông Tim Huxley, mới đây khẳng định, tình hình Biển Đông tiếp tục sẽ là chủ đề nóng tại diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực châu Á.

Ông Huxley cho rằng, vấn đề đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trong thời gian gần đây là việc Trung Quốc xây dựng trên các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông và nhanh chóng bồi đắp, quân sự hóa một bãi đá, rạng san hô ở Biển Đông. Nhiều nước đã phản ứng mạnh mẽ đối với hoạt động này cũng như một số hình thức gây áp lực khác từ phía Bắc Kinh.

Bởi vậy, ông Huxley thừa nhận, trong quá trình chuẩn bị Đối thoại Shangri-La năm nay cũng đã có nhiều dự đoán về những bước tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông, cụ thể trong bối cảnh tòa trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) đang chuẩn bị đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Trong khi đó, báo chí quốc tế tiếp tục có những thông tin xung quanh Đối thoại Shangri-La 15. Theo đó, Mỹ được cho là sẽ đi đầu trong cuộc tấn công Bắc Kinh và Trung Quốc sẽ tìm cách đối phó.

Như thông lệ trong những năm gần đây, Mỹ sẽ cử một phái đoàn hùng hậu tham gia Đối thoại Shangri-La. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên đường đi Singapore ngày 31-5, và phái đoàn Mỹ sẽ có thêm hai lãnh đạo quân sự cao cấp là đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải quân cùng đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương.

Về Trung Quốc, theo IISS, định chế đứng ra tổ chức Đối thoại Shangri-La, Bắc Kinh sẽ cử một phái đoàn quân sự cấp thấp hơn, do đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc dẫn dầu.

Các nhà quan sát nhận định, Đối thoại Shangri-La lần này chắc chắn sẽ phải đề cập tình hình căng thẳng nảy sinh từ những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong thời gian qua, Mỹ đã liên tiếp vạch trần các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc. Để đối phó, Mỹ đã tổ chức các chuyến tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải, công khai thách thức về các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đặc biệt, theo hãng Kyodo, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa tổ chức tại Nhật Bản, với sự thuyết phục mạnh mẽ của Mỹ và nước chủ nhà, G7 đã ra tuyên bố nhấn mạnh: Lãnh đạo các quốc gia G7 phản đối mạnh mẽ “những hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng” Biển Đông và các hành vi “hù dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực” trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đồng thời kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp trong sự tôn trọng luật pháp quốc tế.

Để đối phó, Bắc Kinh đã phản bác lại bằng những lập luận truyền thống rằng, Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc “từ ngàn xưa” nên họ muốn làm gì ở đó thì làm; rằng Mỹ đã “thổi phồng” tình hình căng thẳng để gây áp lực chống Trung Quốc (?!).

“Khẩu chiến” mới nhất là ngày 30-5 vừa qua, Trung Quốc tố cáo Lầu Năm Góc vẫn duy trì tâm lý chiến tranh lạnh và định làm “phim bom tấn Hollywood” khi triển khai vũ khí hiện đại tới Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, Bắc Kinh sẽ kiên quyết chống lại những “hành động nhằm hủy hoại chủ quyền lãnh thổ và an ninh Trung Quốc”.

Tuyên bố gay gắt nói trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm đáp trả nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 27-5 khi ông cho rằng, việc Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển Đông có nguy cơ đe dọa thịnh vượng ở khu vực châu Á và khi làm như vậy, Bắc Kinh chỉ dựng lên một bức “Vạn Lý Trường Thành” của sự tự cô lập mà thôi.

Các nhà quan sát nhận định, tất cả những vấn đề trên sẽ lại được nêu tại Shangri-La 15. Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác trong vai trò công tố viên, trong lúc Trung Quốc sẽ phải chật vật đối phó, vì các lập luận của Trung Quốc đến nay được cho là thiếu sức thuyết phục.

Diễn biến đó cho thấy, những hành động tuyên bố chủ quyền và tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi lấp các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông càng làm dư luận bất bình. Đặc biệt, “khẩu chiến” Mỹ - Trung tại Diễn đàn Shangri-La 15 được dự báo sẽ rất gay gắt, nhất là khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nổi tiếng là không ngại chỉ trích thẳng thừng Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.