.

"Bóng đen" ở Biển Đen

.

Mối quan hệ giữa Nga với phương Tây kể từ năm 2014 đến nay ngày càng trở nên căng thẳng, mà nhân tố chủ yếu là vấn đề Ukraina. Trong đó, tâm điểm các bất đồng là sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Đây là vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của hải quân Nga, từ căn cứ này có thể kiểm soát bao quát của Biển Đen cũng như triển khai lực lượng đến các vùng biển khác.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và các đồng minh ở châu Âu cho rằng, Nga là mối đe dọa an ninh của phương Tây. Ngày 18-5 vừa qua, tại hội nghị thường kỳ Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cấp Tổng Tham mưu trưởng của 28 nước thành viên diễn ra tại Brussels (Bỉ), Tướng Petr Pavel cho biết chủ đề chính của cuộc họp là thảo luận việc tăng cường các biện pháp phòng thủ của NATO tại châu Âu nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh mới (thực chất là Nga), đánh giá sứ mệnh “hỗ trợ kiên quyết” của NATO và tăng cường phối hợp với các nước đối tác khác. Đáng chú ý là trong Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Đức công bố hôm 6-6 đã chuyển Nga từ đối tác sang đối thủ, một dấu hiệu cho thấy quan hệ Nga - NATO xấu đi nhanh chóng.

Do vậy, thời gian gần đây, NATO dưới danh nghĩa bảo vệ các đồng minh đã gia tăng các hoạt động nhằm bao vây Nga như: kích hoạt hệ thống tên lửa phòng thủ ở Romania; bố trí các đơn vị xe tăng, bộ binh xung quanh các nước có đường biên giới với Nga. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tương tự như ở Romania tại Ba Lan và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.

Đặc biệt, tàu khu trục USS Porter sẽ đi vào Biển Đen để hoạt động thường kỳ trong khuôn khổ các chuyến hành trình trên biển theo kế hoạch. Tàu USS Porter ghé thăm các cảng trên Biển Đen thuộc các đồng minh NATO và sẽ tổ chức tập trận song phương với đội tàu các nước đối tác.

Phản ứng động thái đó của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ đáp trả vụ tàu khu trục USS Porter đi vào Biển Đen. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Mátxcơva sẽ thực hiện những động thái cần thiết để chống lại mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ việc NATO tăng cường tiềm lực quân sự ở sát biên giới Nga và Biển Đen.

Trước đó, theo Sputnik, trả lời phỏng vấn báo Rossiyskaya Gazeta, đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexandr Grushko nêu rõ: “Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ không để Biển Đen biến thành “cái hồ của Nga”. Nhưng ngay trong nội bộ NATO cũng nhận thức rằng Biển Đen không bao giờ trở thành “ao nhà của NATO”, và chúng tôi sẽ thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để hóa giải mối đe dọa tiềm tàng cũng như toan tính gây sức ép vũ lực nhằm vào Nga từ hướng Nam”.

Trong một động thái được cho là “cảnh giác” của Nga trước mối đe dọa từ NATO, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành diễn tập để kiểm tra khả năng sẵn sàng nhanh chóng huy động lực lượng của quân đội. Diễn tập bắt đầu từ ngày 14-6, kéo dài trong một tuần nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng của các đơn vị quân dự bị và các kho vũ khí.

Ngoài ra, Nga cũng gia tăng sản xuất các hệ thống vũ khí chống tên lửa đạn đạo và các tàu chiến, tàu ngầm hiện đại. Hải quân Nga đã được bàn giao thêm một tàu chiến thế hệ mới Project 11356 cho Hạm đội Biển Đen. Tàu khu trục Project 11356 có khả năng thực hiện hiệu quả một loạt nhiệm vụ đơn lẻ ở vùng biển gần và xa. Theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng, nhà máy “Yantar” đang đóng 6 con tàu loại này cho hải quân Nga.

Trong khi đó, theo Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Korolev, nước này đã tăng cường các hạm đội, đưa tổng số tàu chiến và các loại tàu khác trong lực lượng này lên hơn 100 chiếc. Ông Korolev gọi đây là “sự tăng trưởng chưa có tiền lệ của các đội tàu trong quân đội chúng ta, ở Bắc Cực và các vùng biển khác của thế giới, là kết quả từ một hoạt động cẩn trọng”.

Đô đốc Korolev cũng tuyên bố, Hải quân Nga sẽ được tăng cường hơn 50 tàu chiến trong khoảng thời gian từ năm 2016-2018. Trong mấy năm gần đây, Nga đã đưa vào trang bị các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có tên Vladimir Monomakh và Alexander Nevsky; các tàu ngầm tấn công thuộc lớp Varshavyanka là Novorossiysk, Rostov-on-Don và Stary Oskol, bên cạnh một số tàu tên lửa cỡ nhỏ khác.

Những diễn biến trên cho thấy, quan hệ Nga - NATO “đóng băng” ở mức đáng quan ngại. Trong đó, “bóng đen” đang bao phủ Biển Đen, khi các bên liên quan đều có những hoạt động dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang mà hậu quả của nó khó có thể lường hết.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.