.

Vẫn là "phép thử"

.

Bên cạnh hàng loạt vấn đề quốc tế làm “đóng băng” quan hệ Nga - Mỹ, vấn đề Syria cũng được đặt lên vị trí hàng đầu.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria do Mỹ và Nga hậu thuẫn được ký ngày 9-9, có hiệu lực ngày 12-9 nhưng chỉ kéo dài chưa đến 24 giờ thì đổ vỡ do sự vi phạm của các bên. Trong đó hai vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra: ngày 17-9, máy bay liên quân do Mỹ đứng đầu dội bom “nhầm” xuống các vị trí của lực lượng chính phủ Syria ở Deir al-Zor làm hơn 100 binh sĩ chết và bị thương; vụ tấn công nhằm vào đoàn xe chở hàng viện trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) gần thành phố Aleppo hôm 19-9, khiến khoảng 20 người thiệt mạng.

Hai sự kiện đó như giọt nước tràn ly. Ngay lập tức, chính phủ Syria tuyên bố lệnh ngừng bắn hết hiệu lực, ra thông báo về việc phát động cuộc tấn công quân sự mới nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo, miền bắc Syria, đồng thời khuyến cáo người dân tránh xa những nơi mà các tay súng chống đối chính phủ chiếm đóng.

Trong khi đó, Nga gia tăng mạnh mẽ các cuộc không kích bằng máy bay tầm xa và điều tàu sân bay đến khu vực này để hỗ trợ các cuộc tấn công của quân đội Syria.

Vậy là cuộc xung đột ở Syria lại chìm trong biển lửa. Còn Nga - Mỹ “khẩu chiến” trên các diễn đàn quốc tế, đổ lỗi cho nhau về thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ.

Các cuộc họp bàn thảo tìm giải pháp cho vấn đề Syria suốt tuần qua đã không mang lại kết quả nào. Mỹ, Anh và Pháp cố gắng tìm cách ngăn chặn các cuộc không kích do quân đội Syria và Nga cùng tiến hành nhằm vào các khu phố do quân nổi dậy và khủng bố kiểm soát tại Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ngày 25-9 vừa qua, Mỹ, Anh và Pháp coi Nga và chính phủ Syria là thủ phạm tấn công đoàn xe cứu trợ của LHQ hôm 19-9. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định cáo buộc nhằm vào Nga đã được thiết kế để đánh lạc hướng mọi sự chú ý khỏi những “nhầm lẫn” của liên quân do Mỹ dẫn đầu khi tấn công lực lượng vũ trang Syria. Mặt khác, Đại sứ Vitaly Churkin tại LHQ đổ lỗi cho liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã trang bị vũ khí cho hàng trăm quân khủng bố và dội bom mà không phân định rõ ràng.

Ở một khía cạnh khác, sau thời gian giằng co không chịu công khai thỏa thuận ngày 9-9, mới đây, Mỹ đã chấp nhận đưa ra để dư luận thấy rõ chi tiết mà hai bên thống nhất nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Trước đó, đại diện phái đoàn Mỹ tại LHQ cho rằng, việc công bố chi tiết của thỏa thuận có thể ảnh hưởng đến các biện pháp an toàn về cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria (?!).

Tuy nhiên, để giải quyết cuộc xung đột hiện nay ở Syria, còn rất nhiều bên quan tâm tới cuộc chiến Syria, ngoài Nga và Mỹ. Cả Iran - bên đang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad lẫn các cường quốc Hồi giáo dòng Sunni ủng hộ phe đối lập đều có quan điểm, lý lẽ riêng của mình. Với việc điều động các lực lượng quân đội đến Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành bên định hình cuộc xung đột theo cách vượt ra khỏi những ưu tiên hàng đầu dành cho Barack Obama, Vladimir Putin, John Kerry, Sergei Lavrov.

Có thể nói, vấn đề Syria như biểu trưng cho cuộc xung đột trong thế kỷ XXI với sự đan chéo về mục tiêu, quyền lợi, nạn khủng bố, xung đột tôn giáo, sắc tộc và cả về các hình thái chiến tranh…, được thể hiện bởi các cường quốc trên thế giới, cường quốc khu vực, các hệ phái, cũng như các bên có lợi ích và cả tổ chức khủng bố đặc biệt nguy hiểm khác.

Do vậy, giải bài toán cho cuộc xung đột ở Syria xem ra không chỉ là thỏa thuận Nga - Mỹ, mà trước hết phải là các quốc gia có liên quan thực sự đặt lợi ích chân chính của người dân Syria lên trên hết, đẩy mạnh cuộc chiến khủng bố, chống chủ nghĩa ly khai, hòa hợp các sắc tộc, tôn giáo… hướng đến một nền hòa bình, ổn định cho quốc gia Trung Đông này đang chịu quá nhiều đau thương suốt 5 năm qua.
Còn không thì những thỏa thuận như vậy cũng chỉ là “phép thử” mà thôi (?!).

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.