.

Mâu thuẫn gia tăng

.

Vấn đề Syria hiện nay không chỉ đơn thuần là cuộc nội chiến ở quốc gia này, hay là vấn đề của khu vực Trung Đông, mà nó đã chuyển sang hình thái mới, phức tạp, đa dạng và nguy hiểm hơn, có thể đe dọa hòa bình và an ninh thế giới, đó là cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây.

Sau thỏa thuận ngừng bắn ngày 9-9 về Syria bị đổ vỡ nhanh chóng, Nga và Mỹ đã quay lưng với nhau trong việc giải quyết cuộc xung đột ở quốc gia này.

Liên Hợp Quốc (LHQ) đã có nhiều cuộc họp. Cả Nga lẫn Pháp đưa ra các dự thảo nghị quyết nhằm chấm dứt xung đột leo thang, từng bước tiến tới một giải pháp hòa bình cho Syria nhưng Hội đồng Bảo an vẫn không tìm được tiếng nói chung của các thành viên.

Trong khi đó, trên chiến trường, các bên tham chiến đẩy mạnh các cuộc tấn công. Đáng chú ý là quân đội của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn đã giành nhiều thắng lợi ở thành phố Aleppo và thị trấn Hama mang tính chiến lược. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Mátxcơva sẵn sàng hỗ trợ kế hoạch của LHQ để các tay súng thánh chiến Hồi giáo rời khỏi thành phố Aleppo, nhưng đồng thời đặt ra những điều kiện chặt chẽ đối với bất kỳ lực lượng phiến quân nào còn lại tuyến sau.

Rõ ràng, Nga đang thể hiện sức mạnh quân sự mang tính thực chất, lấn lướt trên nhiều phương diện so với Mỹ và phương Tây trên chiến trường. Nga đã dồn Mỹ và phương Tây vào thế bị động, lúng túng để giải quyết cuộc xung đột ở Syria nói riêng và cuộc chiến chống khủng bố nói chung.

Điều gì đã làm Nga có những hành động mang tính đáp trả mạnh mẽ đến vậy?

Trong phát biểu ngày 5-10 tại cuộc họp đầu tiên của Duma quốc gia Nga khóa mới, Tổng thống Putin cho rằng, Nga đang bị chính sách thù địch của Mỹ và phương Tây đe dọa nên buộc phải tăng cường sức mạnh quân sự, bảo vệ an ninh và đưa nước ông trở thành cường quốc trên thế giới.

Nga cũng tuyên bố đình chỉ một loạt thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, tăng cường lực lượng ở Syria, triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở Kaliningrad (một lãnh thổ của Nga nằm giữa Ba Lan và Latvia, hai thành viên của NATO) và tuyên bố sẵn sàng bắn rơi máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu nếu Washington tiếp tục không kích các mục tiêu thân chính phủ Syria.

Quân đội Nga thông báo sẽ mở rộng căn cứ hải quân hiện tại ở cảng Tartus của Syria, biến nó trở thành căn cứ thường trực. Ngoài ra, Nga cũng được cho là đang cân nhắc hiện diện quân sự ở Ai Cập lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, với việc thuê một số căn cứ của Cairo.

Đáng chú ý, ông Putin hoãn thăm Pháp vào tuần tới, trong bối cảnh quan hệ Paris - Mátxcơva căng thẳng xung quanh vấn đề Syria.

Diễn biến trên càng cho thấy, đây là cách đáp trả của Nga để chống lại Mỹ và phương Tây về chính sách hướng Đông trong việc mở rộng khối NATO, đặt các đơn vị tên lửa đạn đạo ở các nước gần Nga và chính sách bao vây cấm vận xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine, việc sáp nhập bán đảo Crimea.

Đánh giá về sự đối đầu hiện nay giữa Nga với Mỹ và phương Tây, trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti của Nga mới đây, vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev nói: “Tôi cho rằng, thế giới đang tiến gần đến điểm nguy hiểm. Tôi không muốn đưa ra bất kỳ đề xuất nào nhưng tôi muốn tình trạng này phải chấm dứt. Chúng ta cần tái đàm phán. Ngừng đàm phán là sai lầm lớn nhất”.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuần trước cảnh báo, sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga đã dẫn tới một tình thế thậm chí còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh. “Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ đây chỉ giống cuộc Chiến tranh Lạnh, bởi bối cảnh hiện nay khác biệt và còn nguy hiểm hơn thế”, ông Steinmeier nói.

Trong một bài phân tích, tờ Libération (Pháp) ghi nhận rằng, dù ngày càng bị cô lập kể từ khi mở chiến dịch không kích ở Syria nhưng Nga dường như không sợ những lời đe dọa, nguy cơ là đưa thế giới trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh với sự đối đầu giữa các khối.

Sự gia tăng căng thẳng hiện nay giữa Nga với Mỹ và phương Tây sẽ không giải quyết được cuộc xung đột ở Syria, đẩy cuộc chiến chống khủng bố đi lệch hướng, đồng thời làm an ninh và hòa bình thế giới bị đe dọa nghiêm trọng.

Đúng như ông Gorbachev khi trả lời hãng tin RIA Novosti đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần quay lại những ưu tiên chính. Đó là giải trừ hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, ngăn thảm họa môi trường. Với những thách thức này, tất cả những vấn đề khác sẽ lui về bình diện thứ cấp”. Có như vậy mới có thể từng bước làm “tan băng” trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây, tìm kiếm những giải pháp thực chất mà các bên có liên quan chấp nhận được để nhanh chóng hóa giải cuộc xung đột hiện nay ở Syria, Ukraine cùng những vấn đề gai góc khác.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.