.

Chia rẽ sâu sắc

.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân. Các cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia liên tiếp diễn ra tại các thành phố lớn ở Mỹ và đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Theo giới phân tích, hầu hết các cuộc biểu tình do sinh viên, thanh niên và các nhóm hoạt động nhân quyền phát động; một số ít do cử tri ủng hộ ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton tổ chức.

Nhiều ý kiến quan ngại rằng, nếu tình hình như vậy tiếp diễn, làn sóng phản đối Tổng thống đắc cử có thể biến thành làn sóng biểu tình lớn nhất kể từ phong trào “Chiếm phố Wall” hồi năm 2011 nhằm lên án giới tài chính ngân hàng nước này - những tác nhân được cho là gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nạn thất nghiệp nghiêm trọng.

Người điều hành chiến dịch của ông Trump, bà Kellyanne Conway, kêu gọi Tổng thống Barack Obama và bà Hillary Clinton cần làm nhiều hơn để bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS mới đây, ông Trump trấn an người biểu tình rằng, họ không có gì phải sợ trong nhiệm kỳ của ông, đồng thời yêu cầu những người ủng hộ ông ngừng các hành động tấn công cộng đồng thiểu số và phá hoại tài sản. Ông cũng khẳng định sẽ bảo đảm các cam kết trong chiến dịch bầu cử về vấn đề sở hữu súng đạn, nạo phá thai và nhập cư.

Ở khía cạnh khác, “âm mưu” loại bỏ ông Trump đang diễn ra thông qua cuộc bỏ phiếu kín của đại cử tri vào ngày 19-12 tới theo luật Mỹ. Một bức thư thỉnh cầu được đăng trên trang change.org đề nghị các đại cử tri bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton đã thu hút hơn 4 triệu chữ ký. Chiến dịch “Đại cử tri có đạo đức” được triển khai nhằm nỗ lực thuyết phục 37 cử tri thuộc đảng Cộng hòa không bầu cho ông Trump. Nếu chiến dịch này thành công, ông Trump sẽ không có đủ quá bán số phiếu đại cử tri và quyền quyết định người làm Tổng thống Mỹ thuộc về Hạ viện.

Trong lịch sử bầu cử ở Mỹ, hiếm khi đại cử tri đi ngược lại quyết định của bang. Nhưng việc một số thành viên trong đại cử tri đoàn hợp tác để “loại bỏ” ông Trump có thể dẫn đến sự chia rẽ nội bộ trong khối đại cử tri lớn nhất trong nhiều thập niên qua.

Mặt khác, với hiệu ứng từ việc người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), người Mỹ ở các bang Texas, California, New Hampshire cũng nổi lên phong trào “exit” khỏi Mỹ.

Ông Marinelli, người lãnh đạo phong trào ly khai ở California cho hay, phong trào sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ vào tháng 8-2017 và sẽ tập hợp các sáng kiến cũng như lá phiếu cho đến tháng 11-2020. Sau đó, họ sẽ nhờ tới sự hướng dẫn của các cơ quan lập pháp để bắt đầu tiến trình ly khai California khỏi liên bang.

Hiến pháp Mỹ có quy định việc sáp nhập thêm bang mới vào nước Mỹ mà không có một điều nào cho phép một tiểu bang ly khai. Song, điều đó cũng cho thấy sự chia rẽ trong xã hội Mỹ đang sâu sắc.

Không dừng lại ở đó, mục tiêu đầu tiên của ông Trump khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng là tiến hành các biện pháp trục xuất 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng oái ăm thay, bên cạnh số người buộc phải rời nước Mỹ lớn như vậy thì số người xin tự nguyện ra đi cũng gấp nhiều lần. Ngày 9-11, chính quyền Canada đã nhận được đơn xin nhập cư của hàng triệu người Mỹ. Lý do là những người cảm thấy bất an khi ông Trump thắng cử (phần lớn ủng hộ nữ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton) đã bày tỏ mong muốn sang Canada nhập cư vì không thể chịu nổi nước Mỹ dưới thời ông Trump.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau sáng 14-11 thông báo rằng, chính phủ nước này đã nhận được 11,5 triệu đơn xin nhập cư của công dân Mỹ. “Mặc dù Canada không thể chấp nhận hết mọi đơn xin gia nhập nhưng chúng tôi có thể nới lỏng luật nhập cư để giúp đỡ những người bạn Mỹ”, ông nói.

Những diễn biến trên cho thấy sự chia rẽ trong xã hội Mỹ đang vô cùng sâu sắc. Ngày 14-11, Tổng thống Obama tuyên bố Tổng thống đắc cử cần gửi các thông điệp về sự đoàn kết sau chiến dịch vận động tranh cử gây chia rẽ. Trong cuộc gặp gỡ tại Phòng Bầu dục hồi tuần trước, ông Obama nói với ông Trump rằng, do “tính chất gay gắt và quyết liệt của chiến dịch tranh cử vừa qua, điều thực sự quan trọng là gửi đi một số tín hiệu về sự đoàn kết và tiếp cận với các nhóm thiểu số, phụ nữ và các đối tượng khác vốn quan ngại về tiến trình tranh cử”.

Dư luận đang chờ xem ông Trump sẽ hành động như thế nào để hàn gắn sự chia rẽ trong xã hội Mỹ.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.