.

Rối rắm gia tăng

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không phải là câu chuyện mới mẻ đối với cộng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc và các quốc gia liên quan. Nhưng vụ phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung ngày 12-2 vừa qua của CHDCND Triều Tiên đã phát tín hiệu lo ngại. Đặc biệt gần đây, hãng Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) James Woolsey cảnh báo vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã phát triển mạnh mẽ hơn so với dự đoán của các chuyên gia và điều này có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ. Diễn biến đó tạo thêm nhiều rối rắm và việc tháo gỡ vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là đề tài khá gai góc cho Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng như các cường quốc, nhất là Mỹ và Trung Quốc…

Sau một thập niên với 5 vụ thử hạt nhân và hàng loạt vụ phóng tên lửa, CHDCND Triều Tiên đã thể hiện rõ là sẽ không thảo luận về phi hạt nhân hóa chừng nào Mỹ chưa ký hiệp định hòa bình song phương, bao gồm chấm dứt liên minh Mỹ - Hàn và rút lực lượng Mỹ cũng như “chiếc ô hạt nhân” của nước này khỏi bán đảo Triều Tiên. Đối với Mỹ, dưới thời các tổng thống trước đây hay ông Donald Trump hiện nay đều kiên quyết từ chối đòi hỏi của Bình Nhưỡng là các cuộc đàm phán và được thừa nhận quy chế một cường quốc hạt nhân; đồng thời cho rằng phi hạt nhân hóa là điều kiện tiên quyết cho bình thường hóa quan hệ.

Các nhà quan sát cũng nhận định: Điều sâu xa mà CHDCND Triều Tiên muốn là khả năng răn đe để tránh đi vào “vết xe đổ” của Iraq hay Libya. Để có được điều này, họ cho rằng, cần có một số lượng nhất định các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn đủ xa và các cuộc thử nghiệm đang đưa họ gần hơn tới mục tiêu này. Theo một số chuyên gia, với đà tiến triển hiện nay, khả năng CHDCND Triều Tiên dùng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tấn công trực tiếp nước Mỹ có thể trở thành hiện thực trong vòng 2-3 năm tới. Vì vậy, ý tưởng thuyết phục CHDCND Triều Tiên phi hạt nhân hóa có lẽ là vô vọng và thời gian đang đứng về phía họ.

Sau khi CHDCND Triều Tiên bắn quả tên lửa đạn đạo ngày 12-2, LHQ ra nghị quyết cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Trump bóng gió rằng, Trung Quốc “chống lưng” cho Bình Nhưỡng và đề nghị Bắc Kinh hợp tác để ngăn chặn chương trình hạt nhân đầy nguy hiểm của CHDCND Triều Tiên. Theo quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 17-2 bên lề Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ quan ngại về mối đe dọa ngày càng gia tăng từ chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Ông Rex Tillerson cũng hối thúc Bắc Kinh sử dụng các biện pháp làm giảm căng thẳng từ phía Bình Nhưỡng.

Đồng thời, Mỹ cũng thể hiện quan điểm sẽ bảo vệ các đồng minh, cụ thể là Hàn Quốc và Nhật Bản về mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bởi vậy, Mỹ đã điều ngay tàu chiến tới Hàn Quốc và sẽ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Washington trên lãnh thổ Hàn Quốc, tiến hành tập trận chung Mỹ - Hàn về THAAD…

Để đáp lại nghị quyết của LHQ và lời “bóng gió” của Trump, trước chuyến thăm Mỹ của đặc phái viên Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Washington, mới đây, Bắc Kinh đã áp dụng biện pháp không nhập than của CHDCND Triều Tiên. Báo Le Figaro (Pháp) nhận định: Trung Quốc không muốn phải xử lý thêm một vấn đề chiến lược nữa - tức là vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, trong lúc Bắc Kinh đang tập trung thực hiện các tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước có tranh chấp cùng những lời cảnh báo của Mỹ và phương Tây. Đó là chưa tính tới những thách thức về thương mại đối với Trung Quốc, kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng. Bắc Kinh không hề muốn vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ảnh hưởng đến các cuộc thương lượng thương mại với Washington.

Nhưng quyết định của Bắc Kinh bị Triều Tiên cho là “phản bội” và tiếp tay cho “kẻ thù” (?!).

Ở khía cạnh khác, việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc cũng tạo sự rối rắm khi vấp phải sự phản ứng gay gắt của cả Trung Quốc và Nga vì khi đưa THAAD vào hoạt động có nghĩa là Washington sẽ ngăn chặn cả tên lửa đạn đạo của hai quốc gia này. Trung Quốc không ủng hộ việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc và tuyên bố sẽ có biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh. Còn Nga sẽ xem xét áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ an ninh nếu Mỹ tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai giai đoạn cuối THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Một vấn đề khác cũng đặt ra: khi CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục mạnh tay với chương trình hạt nhân thì Nhật Bản cũng không thể ngồi yên trước mối đe dọa hiện hữu. Tokyo từng bày tỏ quan điểm rằng, nếu cần thiết, nước này cũng khởi sự chương trình hạt nhân và chỉ trong một thời gian ngắn là đủ số lượng vũ khí hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay được ví như cái “hố đen” cho cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ và các nước có liên quan trực tiếp như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc phải chung tay giải quyết. Còn phương án song phương hay đa phương cũng đã xuất hiện, nhưng cốt lõi của nó vẫn là cách tiếp cận của các bên để tìm được tiếng nói chung mới là yếu tố quan trọng để tháo gỡ những rối rắm tồn tại nhiều thập niên qua.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.