Khủng hoảng niềm tin

Theo Viện Nghiên cứu Gallup (Mỹ), sau hơn 100 ngày lãnh đạo đất nước, tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump đang ở mức thấp nhất so với các đời Tổng thống Mỹ kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu từ năm 1953. Điều gì khiến ông Donald Trump rơi vào tình cảnh như vậy? Có hàng loạt các vấn đề khi ông tiếp quản Nhà Trắng gây tranh cãi, nhưng nổi lên 3 vấn đề sau:

Một là, quan hệ với truyền thông. Thay vì tạo dựng niềm tin với truyền thông, ông Trump đã có nhiều cuộc đối đầu rất quyết liệt kể từ khi bắt đầu chạy đua vào Nhà Trắng cho đến nay. Những xung đột này tạo cơ hội để truyền thông Mỹ tiếp tục tấn công ông trên mọi phương diện, nhất là khi ông có những khiếm khuyết trong quá trình điều hành. Căng thẳng đến mức ông tuyên bố: “Các hãng truyền thông FAKE NEWS (tin tức giả mạo) - New York Times, NBC News, ABC, CBS và CNN - không phải là kẻ thù của tôi, mà là kẻ thù của người dân Mỹ!”.

Khi truyền thông Mỹ gia tăng áp lực, ông Donald Trump và ê-kip của mình tìm mọi cách ngăn chặn, như hủy họp báo bất ngờ, không cho phóng viên một số báo lớn tháp tùng trong các hoạt động của Tổng thống...

Hai là, việc Tổng thống Trump sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey hồi tuần trước đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ.

Theo báo New York Times, bản ghi nhớ của ông Comey cho biết, trong cuộc gặp gỡ tại Phòng Bầu Dục hồi tháng 2, Tổng thống Trump đã nói với ông rằng: “Tôi hy vọng anh sẽ cho qua vụ này” (điều tra ông Flynn - Cố vấn an ninh quốc gia ), người đã bị sa thải và bị điều tra vì cáo buộc từng thảo luận với Đại sứ Nga Sergei Kislyak về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Washington đối với Mátxcơva trước khi ông Trump nhậm chức.

Bởi vậy, truyền thông và cử tri Mỹ mất lòng tin vào ông Trump vì cho rằng việc sa thải Giám đốc FBI James Comey không phải vì năng lực như ông chủ Nhà Trắng tuyên bố mà nhằm bưng bít một sự thật có liên quan đến mình và các trợ lý.

Ba là, dư luận cho rằng, ông Trump đã tiết lộ thông tin tối mật với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp gỡ tại Phòng Bầu dục hôm 10-5 vừa qua. Thậm chí, về phía chính phủ Mỹ, đây vẫn là loại thông tin hạn chế chia sẻ và chỉ một số ít người trong giới lãnh đạo cấp cao nhất của nước này mới được biết.
Tờ Washington Post đưa tin: Ông Trump đã chia sẻ với các quan chức Nga các thông tin mật mà Washington không được đồng minh cho phép tiết lộ với bên thứ ba. Còn tờ New York Times nói rõ hơn nguồn thông tin mật này được nhận từ Israel - đồng minh quan trọng bậc nhất của Washington ở Trung Đông.

Nhà Trắng sau đó bác bỏ bài báo của Washington Post và New York Times, nói rằng Tổng thống không tiết lộ nguồn tin cũng như phương pháp thu thập thông tin tình báo với phía Nga. Đến sáng 16-5, ông Trump viết trên Twitter rằng, ông có “quyền tuyệt đối” trong việc chia sẻ thông tin chống khủng bố.
Việc Tổng thống Trump “rộng rãi” chia sẻ thông tin với Nga có thể sẽ đổ thêm dầu vào lửa cho mối quan hệ này và khiến tình hình trong nước thêm rắc rối trước chuyến công du nước ngoài của ông.

Chuyên gia về an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington D.C) Anthony Cordesman cho rằng, các đồng minh còn đang “đong đếm” năng lực chính trị thật sự của Tổng thống Trump trong bối cảnh sự chia rẽ gia tăng trong đảng Cộng hòa.

Ngay sau hàng loạt tranh cãi nói trên, Public Policy Polling (Mỹ) công bố kết quả thăm dò dư luận cho biết, 48% số người Mỹ được hỏi đã trả lời rằng họ ủng hộ việc buộc tội ông Trump, trong khi chỉ có 41% phản đối việc này. Ngoài ra, 45% nhận định nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ không kéo dài, 43% cho rằng ông Trump sẽ đảm đương đủ nhiệm kỳ 4 năm.

Một cuộc khủng hoảng niềm tin đã và đang diễn ra giữa ông Trump với giới truyền thông, một số cơ quan chủ chốt của chính quyền, các chính trị gia cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa và cử tri Mỹ. Ngoài ra, nếu việc chia sẻ thông tin tình báo với Nga có thật thì các đồng minh chủ chốt của Mỹ cũng sẽ nghi ngờ, thiếu lòng tin vào ông Trump.  

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.