Thực chất cuộc khủng hoảng mang tên Qatar

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các quốc gia Arab vùng Vịnh với Qatar đã bước sang ngày 15 và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar Gargash nói rằng, việc cô lập ngoại giao đối với Qatar có thể kéo dài nhiều năm, đồng thời cáo buộc quốc gia vùng Vịnh này “hỗ trợ các phần tử thánh chiến”.

Nhưng điều mà Qatar và cộng đồng quốc tế muốn biết về những bằng chứng cụ thể để các nước Arab vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao thì chưa rõ ràng, minh bạch. Thậm chí, một đồng minh thân cận của Qatar và nhiều quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi. Ngay sau khi diễn ra sự kiện cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Mỹ tỏ thái độ đồng tình vì cho rằng các nước này đã cùng mình đứng trong trận tuyến chống khủng bố. Nhưng ngày 20-6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ vô cùng “bối rối” trước việc các nước Arab vùng Vịnh không công bố hay cung cấp cho phía Doha chi tiết về sự bất bình dẫn đến quyết định tẩy chay Qatar.

Khi đề cập đến GCC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert còn thẳng thắn nêu rõ: “Thời gian càng trôi qua, càng xuất hiện nhiều sự hoài nghi về những hành động của Saudi Arabia và UAE. Hiện chúng ta cần phải trả lời một câu hỏi đơn giản: Liệu những quyết định này có thực sự liên quan đến việc Qatar ủng hộ khủng bố, hay chúng liên quan đến những bất đồng vốn đã sục sôi trong một thời gian dài giữa các nước GCC?”.

Trong khi đó, báo EgyptToday đưa tin, các cơ quan truyền thông Arab mới đây dẫn đánh giá của các nhà quan sát cho rằng, chính quyền Tamim của Qatar “đang đe dọa các mối quan hệ của nước này với các quốc gia Arab và Hồi giáo”. Do đó, việc thay đổi chính quyền Qatar hiện nay bằng một chính quyền mới “có thể chấp nhận được” sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia Arab. Qatar từng chứng kiến 3 cuộc đảo chính trong vòng 40 năm qua và theo các nhà quan sát, cuộc đảo chính thứ tư có thể đang đến gần, trong bối cảnh các nước Arab đang yêu cầu thay đổi chính quyền ở Qatar (?!).

Trong khi đó, phản ứng của Qatar xung quanh vụ việc này cũng cho thấy chính quyền Doha đang nắm giữ những lợi thế lớn. Khi các nước tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, phong tỏa về kinh tế, Doha không có ngay các hành động đáp trả mà tuyên bố một cách thận trọng rằng sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường ngoại giao.

Ngoài việc thông qua các nước làm trung gian, Qatar cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn rằng sẽ đến bàn thương lượng sau khi các nước dỡ bỏ các biện pháp cấm vận. Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tuyên bố các biện pháp nhằm cô lập Qatar của Saudi Arabia, UAE, Bahrain và các nước khác là hành động gây hấn, đồng thời nhấn mạnh điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán là chấm dứt các biện pháp này. Ngoại trưởng Qatar cũng nêu rõ các cuộc đàm phán phải diễn ra văn minh với một nền tảng vững chắc, không phải chịu áp lực hay bị cô lập. Mặt khác, để đối phó với tình huống xấu nhất, như bạo loạn lật đổ hay chiến tranh, Qatar đã lập ngay mối liên kết với một số nước nhằm bảo vệ an ninh, chủ quyền đất nước.

Đáng chú ý là Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, cho phép binh lính Thổ triển khai tại một căn cứ quân sự ở Qatar và được nước này đồng ý ngay lập tức. Không những vậy, quân đội Thổ đã đến Qatar để tham gia cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước.

Trong khi đó, Qatar cũng nắm lợi thế với Mỹ khi nước này có căn cứ quân sự lớn của Washington với hàng ngàn binh sĩ đồn trú. Hơn thế, trong lúc diễn ra cuộc khủng hoảng, Qatar lại ký kết hợp đồng mua hàng chục máy bay chiến đấu F-15 với tổng trị giá 12 tỷ USD. Đồng thời, các lực lượng hải quân Mỹ và Qatar tiến hành tập trận chung với sự tham gia của tổng cộng 9 tàu chiến.

Những tình thế đan xen đó cho thấy sự rạn nứt của GCC đã đến đỉnh điểm và các nước chủ chốt trong khối muốn thông qua một khủng hoảng ngoại giao với Qatar để tìm đến sự đồng thuận, loại bỏ những “nhân tố” bị cho “phá bỉnh” và nguy hiểm, như Iran là một ví dụ cụ thể. Tuy nhiên, Qatar không phải là lá bài đơn giản dễ dàng thu phục, nhất là trong bối cảnh cả khu vực đang có những diễn biến phức tạp, bị chi phối bởi những lợi ích của các cường quốc hàng đầu thế giới.

Ở phương diện khác, ông Alexander Aksenenok thuộc Hội đồng Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nga vừa công bố một báo cáo cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab hiện nay là thất bại thực sự đầu tiên đối với những chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Ông Aksenenok nhấn mạnh, đây là kết quả thực tế rằng các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đã lợi dụng tình hình do chính Tổng thống Donald Trump tạo ra bằng những phát ngôn chống Iran của ông tại Saudi Arabia để phục vụ lợi ích của họ.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.