Trung - Ấn so kè ở biên giới

Suốt 50 năm qua, quan hệ giữa Trung Quốc với Ấn Độ có những bước thăng trầm, trong đó vấn đề biên giới kéo dài 4.000km tuy không bùng phát xung đột thành cuộc chiến tranh tổng lực nhưng vẫn âm ỉ những bất đồng.

Khu vực tranh chấp chủ yếu ở phần lớn hơn về phía đông của khu vực biên giới trải dài giữa Bhutan và Myanmar. Phía biên giới bên Ấn Độ gồm khu vực Arunachal Pradesh, nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khu vực này và gọi đây là nam Tây Tạng. Ấn Độ kiểm soát tu viện Tawang phía biên giới mình, một nguồn cơn gây bất đồng vì tu viện là một trong những khu vực thiêng liêng đối với người Phật giáo Tây Tạng.

Đáng chú ý, từ cuối tháng 6 đến nay, khi binh sĩ Ấn Độ ngăn công nhân Trung Quốc thực hiện dự án xây đường ở khu vực biên giới tranh chấp, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ. Để trả đũa, Trung Quốc ngăn một nhóm hành hương Ấn Độ đi qua một con đèo phía Trung Quốc tới núi Kailash - khu vực linh thiêng ở Tây Tạng dành cho tín đồ Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Hai bên đã gia tăng các hành động để gây áp lực lẫn nhau. Các lều trại của quân đội Ấn Độ được dựng ngay đối diện phía Trung Quốc như một thông điệp cứng rắn gửi Bắc Kinh rằng, lực lượng Ấn Độ sẽ không lùi bước, trừ khi Quân giải phóng nhân dân (PLA) cũng có động thái hòa dịu tương ứng để chấm dứt căng thẳng biên giới kéo dài gần 1,5 tháng qua. Quân đội Ấn Độ đã triển khai thêm 2.500 binh sĩ dự bị động viên tới vùng biên giới căng thẳng. Trong khi đó, những lực lượng quân sự đóng dọc biên giới của Ấn Độ được lệnh sẵn sàng chiến đấu và trong tình trạng báo động cao nhất.

Như vậy, Ấn Độ hiện có gần 200.000 binh sĩ đóng quân ở các khu vực tranh chấp với Trung Quốc, gấp 15-20 lần quân số của lực lượng Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ tiến hành mua đạn khẩn cấp từ Israel và một tuyến tiếp tế ổn định cho các quân nhân Ấn Độ ở biên giới cũng đã được thiết lập để chống lại bất kỳ sức ép nào từ Bắc Kinh.

Song song với động thái của New Delhi, phía Trung Quốc cũng có các dấu hiệu điều động binh. Bắc Kinh đã xây dựng các kho nhiên liệu và hậu cần ở vùng biên giới gần Ấn Độ, cho thấy nước này không chỉ muốn nâng cao tốc độ triển khai quân lực, mà còn muốn duy trì hiện diện quân sự trong thời gian dài.

Các nhà phân tích chiến lược Ấn Độ lo ngại Trung Quốc hiện nay có đủ khả năng triển khai tới 32 sư đoàn (trước đây là 22 sư đoàn), tương đương hơn 300.000 binh sĩ, đến địa điểm có vị trí địa lý đặc thù như Doklam/Donglang nhờ hệ thống đường sá được cải thiện. Thậm chí, họ lo ngại hơn bởi Trung Quốc có thể hoàn thành việc bố trí này vào mọi thời điểm trong năm.

Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 18-7, một cuộc tập trận diễn ra trong 11 giờ với hàng chục tình huống giả định là cuộc thử nghiệm về khả năng tác chiến phối hợp của các binh sĩ trang bị súng máy, bệ phóng tên lửa và súng cối đã tập tấn công vào vị trí kẻ thù vào cuối tuần qua. Binh sĩ Trung Quốc đã sử dụng radar để dò tìm máy bay kẻ thù rồi tấn công bằng súng phòng không, đồng thời sử dụng cả lựu đạn chống tăng.

Tờ Hoàn Cầu thời báo đăng tải bài viết cảnh báo Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực dọc đường ranh giới kiểm soát trên thực tế (LAC) dài khoảng 4.000km với Ấn Độ, từ Ladakh tới Kashmir ở phía bắc cho đến Arunachal Pradesh và Sikkim ở phía đông. Tờ báo này nhấn mạnh: “Nếu Ấn Độ kích động xung đột ở một vài điểm, nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả từ một cuộc đối đầu tổng lực với Trung Quốc dọc LAC”.

Trong 4 tuần đối đầu ở biên giới Sikkim, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chỉ đưa ra một tuyên bố duy nhất phản đối các cáo buộc của Bắc Kinh, trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc kể từ hôm 26-6 gần như lên tiếng hằng ngày yêu cầu New Delhi lui binh. Điều đó cho thấy, Bắc Kinh luôn sử dụng con bài vừa có chiến dịch tuyên truyền, kích động trên quy mô lớn để được dư luận cho rằng “họ bị đe dọa”, vừa thúc đẩy việc triển khai quân tiến hành chiến tranh khi có thể.

Năm 2012, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí tham gia một cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn ở nhiều cấp độ. Nhưng cơ chế này không phát huy được vai trò trong cuộc đối đầu đang tiếp diễn ở biên giới Sikkim.

Các nhà quan sát nhận định, cuộc so kè ở biên giới Trung - Ấn lần này khó có khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở cấp độ chiến tranh tổng lực, bởi hai nước còn có những toan tính và ràng buộc khác, nhất là khi Trung Quốc đang quảng bá cho hình ảnh “Con đường tơ lụa” ở nam và tây Á, còn Ấn Độ cũng muốn sự yên ổn ở biên giới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Như Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tuyên bố: “Đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra và khi có những tình huống như thế này, cách chúng tôi xử lý nó là thử thách về sự trưởng thành của chúng tôi. Tôi thấy không có lý do gì để chúng tôi không thể giải quyết vụ việc lần này khi đã giải quyết nhiều tình huống tương tự trong quá khứ”.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.