Điều không thể và có thể

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục là đề tài nóng hiện nay trên thế giới, nhất là đối với các bên liên quan. Vậy đâu là gốc rễ của vấn đề khá gai góc này?

Sau khi chiến tranh Triều Tiên tạm đình chiến năm 1953, giữa hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì chưa có hiệp ước hòa bình. Trong khi đó, mục tiêu của Bình Nhưỡng là duy trì sự tồn tại của chế độ, buộc Mỹ rút quân và di dời căn cứ quân sự ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, tiến tới thống nhất đất nước. Bởi vậy, Bình Nhưỡng duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh, xây dựng pháo binh, tên lửa, chế tạo các loại vũ khí để bảo đảm khi xung đột xảy ra sẽ có khả năng gây thương vong khủng khiếp cho đối phương. Ngược lại, Mỹ và Hàn Quốc vẫn duy trì lực lượng quân sự đủ mạnh để ngăn chặn việc “xâm chiếm” bất ngờ của Bình Nhưỡng.

Bình Nhưỡng đã chọn lựa phương thức nhằm gia tăng chính sách phòng thủ và răn đe đối phương là “phát triển chuơng trình hạt nhân” toàn diện dựa vào sự trợ giúp công nghệ, thiết bị của một số nước và trên thị trường chợ đen. Tuy nhiên, có thời điểm Bình Nhưỡng lùi bước, cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát, thỏa thuận với Mỹ để phá bỏ cơ sở hạt nhân…

Nhưng do những tính toán sai lầm của Mỹ, nhất là cái chết của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi xảy ra chỉ vài năm sau ông này tuyên bố từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, càng khiến CHDCND Triều Tiên quyết tâm duy trì chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Kể từ khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 đến nay, Bình Nhưỡng đã liên tục thực hiện 5 vụ thử hạt nhân khác và hàng chục vụ phóng tên lửa đạn đạo, với kết quả thử nghiệm lần sau tiến bộ hơn trước. Dù Bình Nhưỡng phải chịu khó khăn kinh tế và bị cô lập thêm về ngoại giao, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn không chấp nhận thương lượng về kho vũ khí đang phát triển nhanh chóng của mình, được cho là đã lên tới 20 quả bom hạt nhân cùng số tên lửa đạn đạo cần thiết để mang những quả bom đó.

Đặc biệt, dường như khi nắm trong tay “thế mạnh về vũ khí hạt nhân”, Bình Nhưỡng sẵn sàng đối trọng với Mỹ. Việc Bình Nhưỡng bất ngờ thông báo đang lên kế hoạch bắn 4 quả tên lửa đạn đạo đến gần đảo Guam là một thách thức chưa từng có nhằm vào Mỹ, cường quốc số một thế giới.

Vậy là cuộc “khẩu chiến” giữa Washington và Bình Nhưỡng diễn ra ở cấp độ cao nhất kể từ sau đình chiến năm 1953 đến nay. Điều đáng quan tâm, đây là cuộc thách đấu về chiến tranh hạt nhân chứ không phải chiến tranh thông thường, với sức hủy diệt của nó vô cùng tàn khốc.

Song, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bỗng tuyên bố tạm hoãn kế hoạch phóng tên lửa tới gần vùng lãnh thổ Guam và phía Mỹ cũng bất ngờ nói rằng sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng. Nhưng con đường để các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán vẫn còn mờ nhạt, bởi sự cách biệt về quan điểm của nhau còn quá lớn. Mỹ khăng khăng yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân, còn Bình Nhưỡng thì ngược lại.

Mới đây, phát biểu trên kênh CNN, cựu Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper nêu rõ: “Tôi muốn có một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, nhưng khi tôi đến đó và có những cuộc đối thoại khá gay gắt với họ, tôi biết rằng điều đó là không có triển vọng”. Clapper nói rằng, ông không nghĩ sẽ có thể phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và Mỹ nên chấp nhận điều đó cũng như tập trung vào việc kiểm soát nước này. Hay nói cách khác, chấp nhận CHDCND Triều Tiên là cường quốc hạt nhân.
Đây có thể là điểm gợi mở đáng giá để gỡ nút thắt cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chăng?

Nếu Mỹ vượt qua mọi cản trở, chịu thua thiệt để chấp nhận giải pháp mà ông James Clapper đề xuất thì các vấn đề liên quan có thể được nhanh chóng hóa giải. Như vậy, cả Washington và Bình Nhưỡng đang biến điều không thể thành có thể một cách kỳ diệu!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.