Nhân tố để Nga kích hoạt thị trường vũ khí

Gần 10 năm trở lại đây, thị trường vũ khí trên thế giới có những biến động khó lường. Trong những quốc gia cung cấp vũ khí hàng đầu, Mỹ vẫn chiếm ngôi số một. Tuy nhiên, tình hình chính trị tại các khu vực ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ La-tinh liên tiếp xuất hiện các cuộc chiến tranh, xung đột tôn giáo, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố đã nhanh chóng đưa Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí đầy tiềm năng cả hai phương diện: trong nước và quốc tế.

Về trong nước, mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các đồng minh châu Âu đang “chạm đáy” kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay đã buộc Mátxcơva không ngừng tăng sức mạnh quân sự để bảo vệ đất nước. Việc NATO thúc đẩy chính sách “đông tiến”, đưa vũ khí và quân đội đến đồn trú, tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn ở các nước gần biên giới Nga như một tín hiệu gây bất an cho Mátxcơva. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, nước ông sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang nhằm đối phó với những thách thức và bảo vệ lợi ích quốc gia. Ông Shoigu cho biết, Bộ Quốc phòng Nga đặc biệt chú trọng việc duy trì sức mạnh răn đe hạt nhân bằng việc nâng cấp “bộ ba hạt nhân” - bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân. Lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã tiếp nhận nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo Yars nhằm tăng cường khả năng xuyên thủng các loại lá chắn tên lửa.

Đáng chú ý, tháng 6-2017, quân đội Nga đã thử nghiệm thành công một hệ thống đánh chặn tên lửa tại bãi thử Sary-Shagan ở Kazakhstan. Hệ thống này có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Mátxcơva cùng vùng công nghiệp trung tâm khỏi các loại tên lửa đạn đạo, đồng thời giám sát không phận và khu vực ngoài vũ trụ để đưa ra cảnh báo sớm trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công bằng tên lửa.

Mới đây, ngày 12-9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars từ bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Plesetsk, miền bắc nước này. Vụ phóng thử tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn đặt trên bệ phóng RS-24 Yars, mang nhiều đầu đạn phân tách dẫn đường độc lập (MIRV). Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, quân đội nước này đang chuyển sang sử dụng hệ thống tên lửa Yars, với phiên chế trong lực lượng tên lửa chiến lược dự kiến đạt 72% vào cuối năm nay.

Ngoài ra, Nga còn tung ra hàng loạt loại vũ khí mới sẽ trang bị cho quân đội như: máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 (PAK FA) vào năm 2019 và các hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ mới S-500 vào năm 2020, cùng các loại xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm...

Về ngoài nước, Nga là nhà cung cấp vũ khí hùng hậu cho hàng chục quốc gia trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở các quốc gia truyền thống mà Nga còn xâm nhập các thị trường vốn lâu nay là của các nước phương Tây. Trong đó, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria là nơi để Nga phô diễn sức mạnh và tác dụng của các loại vũ khí hiện đại, thu hút nhiều khách hàng.

Giám đốc Tập đoàn quân sự, kỹ thuật Liên bang Nga Dmitry Shugayev cũng nói rằng, Mátxcơva hy vọng mở rộng thị phần của nước này trong thị trường vũ khí toàn cầu. Các chuyên gia ước tính, Nga hiện chiếm 27% thị phần máy bay quân sự toàn cầu, khoảng 30% các vũ khí trên mặt đất và khoảng 20% hệ thống phòng không được bán trên toàn thế giới. Các đơn đặt hàng từ nước ngoài đối với vũ khí Nga dự kiến được cung cấp trong các năm tới đã đạt mức xấp xỉ 50 tỷ USD. Doanh thu vũ khí của Nga năm 2016 đạt mức 15 tỷ USD, biến Mátxcơva trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov cho biết, trong thời gian diễn ra Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế “Army-2017” cuối tháng 8 vừa qua, Nga ký kết 23 hợp đồng mới và 3 thỏa thuận bổ sung với 17 doanh nghiệp tổ hợp công nghiệp quốc phòng trị giá hơn 170 tỷ ruble (tương đương 2,87 tỷ USD). Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa thông báo đã ký với Nga thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, có khả năng tấn công mọi mục tiêu trong bán kính 400km, ở độ cao lên tới 35km. Đây là thành viên của NATO sử dụng vũ khí của Nga - điều mà Mỹ rất lo ngại. Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Philippines cũng đang chuyển hướng để trang bị vũ khí của Nga cho quân đội nhằm đối phó với lực lượng khủng bố tại nước này.

Hai nhân tố nói trên vừa kích hoạt ngành công nghiệp vũ khí của Nga phát triển mạnh mẽ, vừa tạo dựng vai trò của nước này trên trường quốc tế; đồng thời cũng là cơ hội để tăng cường tiềm lực kinh tế trước sự bao vây, cấm vận của Mỹ và các đồng minh ở châu Âu.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.