Vấn đề Catalonia không của riêng Tây Ban Nha

Sau cơn địa chấn với sự kiện nước Anh rời EU (Brexit), châu Âu đã và đang tiếp tục đối mặt hàng loạt vấn đề gai góc khác, trong đó có trào lưu ly khai và tuyên bố độc lập. Có thể nói, tư tưởng ly khai đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trong đời sống chính trị và cả kinh tế của châu Âu đương đại. Điều đó phản ánh sự rạn nứt bên trong một cách sâu sắc mà các nhà lãnh đạo các nước châu Âu chưa có phương cách nào hữu hiệu để ngăn chặn.

Trước đây, Kosovo quyết tách khỏi Nam Tư để giành độc lập, dẫn đến cuộc chiến tranh vào năm 1999 với sự tham gia của NATO. Hay các tỉnh phía đông của Ukraine muốn tách khỏi quốc gia này cũng đối mặt với cuộc nội chiến suốt mấy năm qua và đến nay chưa có hồi kết.

Thậm chí, ngay sau khi Nghị viện Anh thông qua luật về Brexit, Thủ hiến Scotland - bà Nicola Sturgeon - công bố Scotland sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Vương quốc Anh để trở thành nước độc lập vào mùa xuân năm 2019, thời điểm cuộc đàm phán Anh - EU về Brexit đi vào giai đoạn cuối.

Nay đến lượt Catalonia của Tây Ban Nha đang trở thành “điểm nóng” không chỉ của quốc gia này mà cả châu Âu phải lo lắng. Câu hỏi đặt ra là vì sao vấn đề ly khai của Catalonia trở thành cú sốc hiện nay không chỉ của Tây Ban Nha mà còn cả châu Âu?

Nhiều nhà quan sát nhận định, tiền bạc không phải là nguyên nhân duy nhất cho việc đòi độc lập, mà gốc rễ sâu xa chính là sự khác biệt về văn hóa, chính trị và bản sắc giữa Catalonia với Madrid đã có từ lâu. Đây thật sự là bài toán hóc búa không chỉ ở Tây Ban Nha mà nhiều nước châu Âu đang đối mặt.

Do vậy, để ngăn chặn sự ly khai, tuyên bố độc lập của Catalonia, Chủ tịch EU Donald Tusk đã kêu gọi lãnh đạo vùng tự trị không đưa ra quyết định tuyên bố độc lập khiến vùng này không thể đối thoại được với Madrid. Ông Tusk còn kêu gọi đàm phán để chấm dứt những tranh cãi hiện nay. Ngoài ra, hầu hết các nước EU và nhiều quốc gia trên thế giới cũng ra tuyên bố sẽ không công nhận nền độc lập của Catalonia.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cam kết nước này không thể bị chia rẽ và sự thống nhất của quốc gia sẽ được bảo vệ. Nếu khả năng Catalonia tuyên bố độc lập xảy ra, chính quyền Trung ương chắc chắn sẽ sử dụng điều khoản 155 của Hiến pháp nhằm bảo vệ sự thống nhất của quốc gia, chẳng hạn như đình chỉ quyền tự trị của vùng, nắm quyền kiểm soát đối với Catalonia, giải tán Hội đồng lập pháp địa phương và ấn định thời gian tổ chức cuộc bầu cử địa phương mới. Mặt khác, chính quyền Trung ương Madrid đã ban hành một sắc lệnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ngân hàng và doanh nghiệp chuyển trụ sở từ Catalonia sang các tỉnh khác. Còn dư luận trong nước, kể cả nhiều người dân ở Catalonia, cùng rầm rộ xuống đường tuần hành phản đối sự ly khai của Catalonia.

Như vậy để thấy, vấn đề ly khai tuyên bố độc lập của Catalonia không còn là chuyện riêng của Tây Ban Nha mà của cả châu Âu.

Bài xã luận đăng trên nhật báo Le Figaro (Pháp) số ra ngày 11-10 cho rằng, trong cuộc khủng hoảng này, tất cả đều bị thiệt hại. Một Catalonia sẽ không còn là mảnh đất màu mỡ, sinh động thu hút đầu tư phát triển kinh tế và du lịch; một Tây Ban Nha đang rơi vào tình trạng bất ổn định lâu dài. Nhưng nếu nhìn rộng lớn hơn sẽ thấy một châu Âu đang trong tình trạng quá tải với hàng loạt thách thức, từ vấn đề di cư, khủng bố, kinh tế bấp bênh, đến các khuynh hướng cực hữu, chủ nghĩa dân tộc... Đặc biệt, xu hướng cô lập hóa và dựng lên những bức tường ngăn cách giữa các dân tộc đang gia tăng một cách đáng lo ngại cho các nhà lãnh đạo châu Âu.

Vì vậy, việc hóa giải vấn đề đòi tuyên bố độc lập của Catalonia hiện nay không đơn giản là công việc của người Tây Ban Nha, mà cả châu Âu phải gồng mình chống chọi nhằm ngăn chặn hiệu ứng domino sang các nước khác.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.