Dư âm và hệ lụy từ vụ đảo chính

Cuộc đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra cách đây hơn một năm, nhưng dư âm của nó tác động sâu sắc đến quan hệ với các đồng minh phương Tây, nhất là Mỹ - quốc gia có nhiều lợi ích chiến lược tại khu vực này.

Ngay sau khi đập tan âm mưu đảo chính, kiểm soát tình hình đất nước, đi đôi với việc loại bỏ các thành viên trong và ngoài quân đội tham gia đảo chính, chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tìm mọi cách dẫn độ những kẻ chủ mưu đang trốn ở nước ngoài, trong đó có giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen hiện ở Mỹ.

Căng thẳng leo thang khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố về việc có “bàn tay nước ngoài” dính líu vào vụ chính biến. Thậm chí, Văn phòng Công tố thành phố Edirne, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, đã “điểm mặt” Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có liên đới khi “hỗ trợ đào tạo lực lượng nòng cốt trong phong trào của giáo sĩ Gulen”. Tổng thống Erdogan cũng không ngần ngại cáo buộc đích danh Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) Joseph Votel liên quan đến âm mưu lật đổ chính phủ của ông.

Ankara còn “khó chịu” về sự ủng hộ của Mỹ đối với các nhóm dân quân người Kurd, vốn được Washington coi là đội quân chiến đấu hiệu quả trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, trong đó có nhóm YPG bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Dư âm đó ngày càng tích tụ làm quan hệ Ankara - Washington trở nên rối rắm khi có thêm những tác động như: việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ bị ách tắc, hay việc Ankara mua hệ thống phòng không của Nga, thúc đẩy tuyến năng lượng “dòng chảy phương Nam” Nga - Thổ...

Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ Metin Topuz, nhân viên người Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cho Lãnh sự quán Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp và có liên hệ với giáo sĩ Gulen. Đó là hành động mang tính đáp trả của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ.

Phản đối vụ bắt giữ Topuz, Mỹ quyết định ngừng cấp thị thực không định cư cho các nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự và ra lệnh bắt giữ thêm một nhân viên khác làm việc cho lãnh sự quán Mỹ.

Trước đó, các cận vệ riêng của Tổng thống Erdogan cũng bị Washington cáo buộc phạm tội do liên quan đến các đụng độ bạo lực với người biểu tình phía ngoài khu nhà riêng của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ hồi tháng 5 vừa qua khi ông có chuyến thăm tới nước này. Tháng trước, Mỹ cũng kết tội cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Zafer Caglayan âm mưu vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran...

Tổng thống Erdogan cũng đã có chuyến thăm Mỹ nhưng vẫn chưa hóa giải được các bất đồng hậu đảo chính và sự nghi kỵ giữa Ankara - Washington vẫn sâu sắc. Mặc dù khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu dài trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng Tổng thống Trump không hề nhắc đến lo ngại của Ankara về quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria, cũng như yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen. Ngoài ra, Nhà Trắng vẫn bảo vệ quyết định vũ trang cho lực lượng các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) - tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách các nhóm khủng bố, điều mà ông Erdogan tuyên bố tại cuộc họp báo với ông Trump là “không thể chấp nhận được”.

Có tin Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim sẽ có chuyến thăm Mỹ từ ngày 7 đến 11-11. Theo nhật báo Sabah, chuyến thăm lần này tập trung vào các cuộc đàm phán về việc dẫn độ giáo sĩ Gulen.

Những diễn biến trên cho thấy, dư âm của cuộc đảo chính vẫn là bài toán hóc búa buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải giải quyết, không chỉ trong nước với việc bắt giữ và tạm giam 16.000 người và 7.668 người đang bị điều tra, mà còn với các đồng minh chiến lược, như Mỹ là một ví dụ điển hình.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.